Tuần vừa qua là một tuần khó khăn cho các lãnh đạo quân sự của Ukraine.
Trong khi các lữ đoàn tình nguyện bị mắc kẹt 10 ngày ở Ilovaysk, một thành phố cách tỉnh Donetsk 50 km về phía đông, nhiều người tổ chức biểu tình trước trụ sở Bộ Tổng tham mưu để yêu cầu tiếp viện và cung cấp các vũ khí tốt hơn. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine phải rút khỏi Novoazovsk hôm 28/8 do lực lượng ly khai phản công. Nhiều cứ điểm quanh thành phố Amvrosiivka của Donetsk cũng đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ủng hộ Nga.
Vitaliy Komar, chỉ huy tiểu đoàn 5, cho biết đơn vị của ông phải rút lui vì liên tục bị nã pháo hạng nặng từ biên giới Nga cũng như bên trong Ukraine. Đơn vị này đã bám trụ trên tiền tuyến gần hai tháng qua, từ 5/7, nhưng không có xe bọc thép hay vũ khí hạng nặng.
"Họ đã quyết định rút lui cho đến khi họ được Bộ Quốc phòng cung cấp đầy đủ quân dụng", Yuri Romanyuk, thành viên hội đồng tỉnh Ivano-Frankivsk cho biết.
Giới chức của Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh Ukraine không bình luận gì về thông tin trên.
Theo Komar, tiểu đoàn của ông là lực lượng quân đội Ukraine cuối cùng rời khu vực trên. Đơn vị của ông đã có hai người thiệt mạng và 7 người bị thương kể từ đầu tháng trước.
Sự thất bại của chính phủ trong việc cung cấp cho các binh sĩ cả những đồ dùng cơ bản nhất đang gây ảnh hưởng đến cả diễn tiến cuộc chiến lẫn tinh thần của những người đang chiến đấu.
"Vì thế họ nổi dậy chống lại Bộ Quốc phòng. Không ai muốn chịu đựng sự lãnh đạo ngu xuẩn, thái độ hời hợt với các binh sĩ, với nhu cầu của quân đội và Vệ binh Quốc gia thêm nữa", ông Romanyuk nói.
Khi được điều đến miền đông hôm 4/7, các binh sĩ trong đơn vị trên thậm chí không đủ áo chống đạn. "Chúng tôi sẽ chia sẻ", một người giễu cợt với truyền hình địa phương. "Hai người mặc một cái, thế là chúng tôi được che cả trước lẫn sau".
420 nam thanh niên ra đi trên những chiếc xe buýt trường học màu vàng, mặc những bộ trang phục không giống nhau và vẫy chào những người mẹ. Họ chỉ được huấn luận 45 ngày trước khi tiến thẳng ra mặt trận. Đến hôm 8/7, tham mưu trưởng của họ, đại tá Yuri Baran, tử trận. Một binh lính 23 tuổi cũng hy sinh vào giữa tháng.
Những người mẹ và người vợ đang của họ yêu cầu chính phủ phải cung cấp đầy đủ quân nhu và vũ khí cho tiểu đoàn nếu không phải đưa họ rời khỏi chiến trường và trở về nhà. Hôm 25/8, những người phụ nữ này đã chặn một cây cầu ở Ivano-Frankivsk, làm tê liệt giao thông trong thị trấn suốt nhiều giờ.
"Chúng tôi đã gõ cửa từng ngôi nhà và tất cả câu trả lời mà chúng tôi nhận được là không ai có thể làm gì trong khi những người đàn ông của chúng tôi đang làm nhiệm vụ", Olga, người có chồng là một binh lính trong tiểu đoàn nói. Cô, cũng như những phụ nữ khác, không muốn tiết lộ tên vì sợ chồng bị phạt. Các binh sĩ có thể bị giam 2-5 năm tù vì tội đào ngũ.
Một sắc lệnh của tổng thống Ukraine vào ngày 17/3 yêu cầu mỗi vùng thành lập một tiểu đoàn bảo vệ lãnh thổ và các tình nguyện viên có thể tham gia quân dịch như chồng của Olga. Anh nhận được giấy gọi nhập ngũ vào một nửa đêm tháng 5. Theo Olga, phần lớn binh sĩ trong tiểu đoàn của chồng là lính quân dịch và ban đầu họ được nói là sẽ chỉ duy trì ở Ivano-Frankivsk để bảo vệ các mục tiêu chiến lược như đường ống khí đốt.
Vùng Ivano-Frankivsk nghèo khó đã tự quyên góp được gần 7 triệu UAH (hơn 500.000 USD) để mua quân nhu và thiết bị cho tiểu đoàn, trong đó có mũ bảo hiểm, đồ lót giữ nhiệt và áo chống đạn.
"Chúng tôi tự bỏ tiền riêng ra mua tất cả và tự gửi chúng đi", ủy viên hội đồng Romanyuk nói. "Không có ai khác chăm lo cho các binh sĩ trên chiến trường cả".
Các binh lính tình nguyện trên khắp Ukraine cũng đang mất dần sự kiên nhẫn với những gì mà họ cho là sự bất tài của chính quyền.
"Lòng yêu nước và nhuệ khí của tiểu đoàn 5 thực sự rất cao, họ sẵn sàng chiến đấu, nhưng chiến đấu có lý do", ông Romanyuk nói. "Để hy sinh một cách ngu ngốc mà không có gì biện hộ ư? Cần một người nào đó nên chịu trách nhiệm về chuyện này. Một chính phủ mà ba tháng rồi không thể mua mũ bảo hiểm và áo chống đạn thì không đáng được nắm quyền hành trong thời gian chiến tranh".
Anh Ngọc (theo Kyiv Post)