Hãng tin AP nhận định chuyến thăm của ông Phùng Quang Thanh và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Trung Quốc cho thấy hai nước "nhất trí nối lại quan hệ quân sự và cùng quản lý các tranh chấp trên biển tốt hơn".
Nhiều tờ báo của Trung Quốc cũng phản ánh chuyến thăm dưới góc nhìn tích cực. Xinhua đưa tin Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí giải quyết và kiểm soát tranh chấp một cách thỏa đáng sau khi Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
"Láng giềng là không thể thay đổi. Cùng duy trì tình hữu nghị và giải quyết các tranh chấp thỏa đáng và thúc đẩy phát triển là lợi ích chung của cả Trung Quốc và Việt Nam", ông Phạm nói.
Ông Phùng Quang Thanh đề nghị quân đội hai nước cần bình tĩnh, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên biển, không để xảy ra xung đột, không dùng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp trên biển.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cuối tuần rồi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng ca ngợi: "Nhờ những nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Trung - Việt đã vượt qua khỏi giai đoạn khó khăn và dần hồi phục".
"Trung Quốc có động cơ để ngăn không cho mối quan hệ đôi bên xấu đi thêm nữa", ông Carl Thayer, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, nhận xét trong email gửi VnExpress. "Trung Quốc muốn tỏ ra hòa giải (với láng giềng) trước khi làm chủ nhà hội nghị cấp cao APEC vào tháng tới".
Số lượng và thành phần tướng lĩnh tham gia chuyến đi của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh là "đáng chú ý". Tư lệnh và chỉ huy của các vùng và lĩnh vực được tận mắt chứng kiến sự nhất trí của hai bộ trưởng, "như vậy các tướng lĩnh sẽ tăng cường thực thi nhiệm vụ quản lý xung đột và đẩy mạnh hợp tác", theo Thayer.
Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí lập đường dây liên lạc quốc phòng trực tiếp. Giới quan sát còn nhắc lại rằng khi Trung Quốc đặt giàn khoan ở Hoàng Sa, gây sự phẫn nộ trong công chúng Việt Nam, giới chức Hà Nội đã nhiều lần nỗ lực liên lạc với Bắc Kinh
Với kết quả này, hai bên đã thiết lập được một cơ chế để liên lạc trực tiếp với nhau khi xảy ra các sự cố. Mỗi bên sẽ có thể nhanh chóng liên lạc với bên kia để thảo luận, trao đổi thông tin và ngăn căng thẳng leo thang thành đối đầu và sử dụng vũ lực, Thayer dự đoán.
Tuy nhiên, hiệu quả của đường dây nóng sẽ chỉ được thử thách khi có sự vụ mới trong tương lai, ông nói thêm.
"Hiện Trung Quốc vẫn tăng cường các hoạt động khai hoang ở Trường Sa, việc này tiềm ẩn nguy cơ đưa tranh chấp ra ngoài tầm kiểm soát của các nước trong Đông Nam Á và biến Biển Đông thành cái ao trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc", chuyên gia cảnh báo. "Điều đó có nghĩa là các văn kiện cam kết nhằm duy trì an ninh ở khu vực của ASEAN sẽ không được áp dụng, và ASEAN sẽ mất vị trí chiến lược của mình trong việc duy trì vai trò trung tâm trong đảm bảo hòa bình ở khu vực".
Mới đây, cơ quan tình báo của Đài Loan cho hay ông Wu Shengli, Tư lệnh hải quân Trung Quốc, đã tới 5 địa điểm thuộc quần đảo Trường Sa. Trong chuyến đi chưa từng có này, ông Wu chứng kiến màn tập trận phối hợp hải-không và thị sát việc khai hoang tạo đảo của quân đội Trung Quốc. Việc này của ông Wu hẳn nhiên không phải là dấu hiệu cho một giai đoạn êm đềm ở Trường Sa, nơi nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ.
"Tư lệnh Hải quân Trung Quốc tới các dự án khai hoang ở Trường Sa là dấu hiệu báo trước rằng các tranh chấp lãnh hải và chủ quyền sẽ vẫn là cái gai trong quan hệ Việt - Trung", ông Thayer nhận định.
Việt Anh