Trong bài viết có tiêu đề "Bức xúc dâng cao ở Việt Nam quanh bất đồng với Trung Quốc", VOA mô tả nhiều hoạt động của người Việt nhằm phản đối việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan dầu khí 981 và tấn công lực lượng chấp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bài viết cho hay khách sạn ở một thành phố biển nổi tiếng của Việt Nam từ chối phục vụ khách Trung Quốc, còn nhiều du khách trong nước hủy tour tham quan nước láng giềng.
Cuối tuần trước, hàng nghìn người dân Việt Nam cũng tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và nhiều cơ quan đại diện ngoại giao của nước này ở các thành phố khác như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Guardian mô tả những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên là lớn nhất ở Việt Nam. Đó là sự công khai lên án những hành vi hung hăng và hiếu chiến của Bắc Kinh ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Khoảng 1.000 người đã mặc áo in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫy cờ quốc kỳ và các biểu ngữ viết "Trung Quốc không được ăn cắp dầu của chúng tôi" hay "Im lặng là hèn nhát", rồi hát vang những ca khúc yêu nước trước sứ quán Trung Quốc, tờ báo của Anh cho hay.
"Sự kiềm chế của chúng tôi có hạn. Chúng tôi đến đây để bày tỏ ý chí của người dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước của mình", báo dẫn lời một người biểu tình tên Đặng Quang Thắng, 74 tuổi, nói.
Theo bài viết "Người Việt Nam xuống đường để phản đối giàn khoan của Trung Quốc" trên tờ Bloomberg, các cuộc biểu tình trên thu hút nhiều tầng lớp người dân tham gia, trong đó có sinh viên, hưu trí, các gia đình và thậm chí trẻ nhỏ. Hơn 20 tổ chức khác cũng kêu gọi mọi người tham gia biểu tình thông qua mạng Internet.
"Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi không chấp nhận việc họ (Trung Quốc) sang đây cướp đất của mình", báo dẫn lời Nguyễn Vân, một nhân viên văn phòng 42 tuổi nói. "Chúng tôi muốn đứng lên và bảo vệ mảnh đất của mình như cha ông đã làm".
Tuy nhiên, trước tình trạng một bộ phận người dân Việt Nam biến hoạt động biểu tình ôn hòa thành bạo lực, nhiều tờ báo quốc tế cũng đưa ra lời cảnh báo.
Wall Street Journal cho hay nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở tỉnh Bình Dương đêm qua bị đốt phá khi hàng chục nghìn công nhân người Việt tổ chức biểu tình phản đối giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc. Mục tiêu của những người này là các công ty, nhà máy thuộc sở hữu hoặc do người Trung Quốc quản lý, có các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc. Tuy nhiên, các nhà máy Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore cũng bị vạ lây.
Reuters đưa tin cuộc biểu tình bắt đầu vào hôm 12/5 với khoảng 7.000 công nhân của các nhà máy sản xuất giày dép và may mặc tuần hành qua các doanh nghiệp Trung Quốc một cách ôn hòa. Họ vẫy cờ và yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan 981 khỏi vùng biển Hoàng Sa. Tuy nhiên, đến ngày hôm qua, một số công nhân đã bị kích động và trở nên quá khích.
Bà Tsai Wan-chen, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Đài Loan tại Bình Dương, cho hay nhiều doanh nhân và gia đình của họ đã phải sơ tán đến các khách sạn gần đó hoặc những nơi khác để tránh nguy hiểm.
Theo Channel News Asia, vụ bạo loạn này là "bất ổn về trật tự nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua" và sự giận dữ của một bộ phận người dân Việt Nam đã "vượt quá tầm kiểm soát".
AP đánh giá, bất chấp những bất đồng trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, xuất khẩu hàng tỷ USD nguyên liệu thô mỗi năm cho các nhà máy sản xuất hàng hóa của Việt Nam. Năm 2013, tổng vốn đầu tư của Bắc Kinh là 2,3 tỷ USD, tăng vọt so với năm trước đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Anh Ngọc