Trung Quốc hôm qua phản đối đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Các quốc gia thành viên thống nhất "tự kiềm chế trong việc thực hiện những hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng cần được nâng cao" tại Biển Đông, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết.
Malaysia, đang là quốc gia chủ tịch ASEAN, khẳng định vấn đề Biển Đông không bị cấm và sẽ được đưa ra thảo luận. Trong bài phát biểu khai mạc hôm nay, ông Aman nói ASEAN nên giữ vai trò chính trong quá trình tiến tới một giải pháp "thân thiện" cho tranh chấp lãnh thổ.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cáo buộc Trung Quốc đang "cải tạo quy mô lớn" ở vùng biển có tranh chấp.
"Chúng tôi thấy không cần nương tay với những hành động đơn phương và gây hấn của người láng giềng phương Bắc" ở Biển Đông, ông del Rosario nói trong một phiên họp ở Malaysia. "Hoạt động cải tạo quy mô lớn làm xói mòn hòa bình, an ninh và ổn định". Ông kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á giải quyết vấn đề với Trung Quốc.
Trước đó, ngoại trưởng Philippines cho biết Manila sẵn sàng giúp xuống thang căng thẳng nếu Bắc Kinh và các bên có liên quan chấp nhận bị ràng buộc bởi những điều kiện tương tự nhau.
"Philippines hoàn toàn ủng hộ và sẽ thúc đẩy tích cực kêu gọi "ba dừng" của Mỹ: dừng bồi đắp, dừng xây dựng và dừng các hành động gây hấn có thể gia tăng căng thẳng", Del Rosario cho biết.
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam nói không thể phớt lờ vấn đề Biển Đông và Singapore chưa hài lòng với bộ quy tắc ứng xử phi chính thức mà ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002.
"Chúng ta không thể giả vờ đó không phải một vấn đề", ông nói. "Chúng ta cần vượt qua những cuộc thảo luận triết học để nói sẽ có điều gì trong thỏa thuận".
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đề nghị ASEAN phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm, tăng cường đoàn kết và vai trò chủ đạo của Hiệp hội, thúc đẩy các bên tuân thủ các nguyên tắc chung, như không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đi vào thảo luận thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong bài phát biểu tại một đại học ở Singapore hôm nay đã nhắc đến căng thẳng tại châu Á và nói Mỹ muốn có một khu vực, nơi "các quốc gia hợp tác để ngăn tranh chấp nhỏ xé ra to".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei.
Trung Quốc hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng xây đảo nhân tạo trên Biển Đông. Bắc Kinh cáo buộc Washington đang quân sự hóa khu vực bằng cách tổ chức tuần tra và tập trận chung. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn có bình luận có thể kích động Mỹ, cho rằng Washington và Manila nên "đếm có bao nhiêu đường băng" ở Biển Đông và "ai là người xây chúng trước".
Washington không phải là một bên trong tranh chấp và có chính sách không đứng về bên nào. Tuy nhiên, Mỹ coi một giải pháp hòa bình và tự do đi lại ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của nước này.
Như Tâm