"Chúng ta không nên bị đóng băng bởi sợ hãi và không làm gì cả", Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trong phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua. "Chúng ta cần phải hành động để bảo vệ người dân và xã hội. Do đó, Anh bây giờ nên chuyển sang một giai đoạn hành động mới".
Theo ông Cameron, những gì London đang làm là "hợp pháp và đúng đắn", bộ binh Anh sẽ không tham chiến ở thực địa. Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu quyết định cho phép Không quân Hoàng gia tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Iraq vào ngày 26/9. Hành động này được cả ba chính đảng ủng hộ và dự kiến được thông qua dễ dàng.
Cũng hôm qua, chính phủ Hà Lan cho biết sẽ điều 6 chiến đấu cơ F-16, có thể tác chiến trong một tuần, để hỗ trợ các đợt không kích nhằm vào IS do Mỹ dẫn đầu. Theo Phó thủ tướng Hà Lan Lodewijk Asscher, nước này cũng sẽ huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng quân sự của Iraq và khu vực người Kurd trong khoảng thời gian tối đa một năm.
"Chúng tôi coi IS là một mối đe dọa nghiêm trọng, không chỉ với khu vực vốn đang bất ổn, với cộng đồng thiểu số không theo đạo Hồi, mà còn với cả thế giới", ông Asscher nói, đồng thời tuyên bố có thể điều động tối đa 380 quân nhân tới khu vực. Ông Asscher cũng để ngỏ khả năng không kích IS ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert nói các quân nhân tới Iraq để đào tạo các lực lượng ở đây sẽ không tham chiến và ở trong môi trường an toàn nhất có thể. "Chúng tôi không loại trừ khả năng can thiệp vào Syria nhưng hiện Hà Lan tự giới hạn tại Iraq. Chúng tôi sẽ theo các diễn biến quốc tế", bà Hennis-Plasschaert nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Pieter De Crem chiều qua trình bày trước ủy ban quốc phòng quốc hội nước này về ý định gửi 6 chiến đấu cơ F-16 cùng 120 phi công và đội ngũ hỗ trợ tới Iraq, sau khi nhận được đề nghị chính thức từ Mỹ. Ngoài ra, Brussels cũng sẽ cung cấp các phi cơ vận tải C-130 để chở binh sĩ tới Iraq. Quốc hội Bỉ sẽ thảo luận và bỏ phiếu trong ngày 25 hoặc 26/9.
Mỹ hôm qua tiếp tục thực hiện ít nhất 13 cuộc không kích nữa vào các mục tiêu của IS ở biên giới với Iraq. Washington đang nỗ lực thiết lập một liên minh cùng các nước đồng minh đối phó với IS, nhóm khủng bố chiếm nhiều phần lãnh thổ Iraq và Syria và đang tiến sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của liên minh quân sự NATO.
Như Tâm