Người thứ nhất là Razul Islam, 21 tuổi, từng có thời kỳ đến Syria và được cho là chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng, nhóm khủng bố vừa sát hại phóng viên Foley, Telegraph vừa công bố thông tin từ các nguồn tình báo Anh.
Razul Islam đang nằm trong danh sách mà các cơ quan an ninh đối chiếu với kẻ hành quyết trong đoạn băng video, nhằm nhận dạng kẻ có tên là "John", đứng đầu nhóm thánh chiến Killer Beatles.
Razul là em trai của một bác sĩ cũng có liên quan đến Syria. Đó là Shajul Islam, 28 tuổi, làm việc tại bệnh viện St Bart thuộc Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS), sống ở đông London, người trước đây bị cáo buộc bắt cóc các nhà báo phương Tây ở Syria.
Shajul Islam thậm chí còn bị bắt vì cáo buộc bắt cóc nhà báo Anh John Cantlie năm 2012 nhưng sau đó được thả vì Cantlie không đưa ra được bằng chứng trước tòa. Shajul Islam luôn nói mình vô tội, cho hay anh ta đến Syria để chữa trị cho các nạn nhân của cuộc nội chiến.
Trong hồ sơ của tình báo Anh, Shajul Islam và Jubayer Chowdhury, 24 tuổi, là hai người Anh bị cáo buộc bắt cóc người phương Tây ở Syria. Hiện Shajul Islam bị cấm hành nghề.
Nghi phạm thứ hai đang trong diện tình nghi sát hại Foley là Abdel-Majed Abdel Bary, 23 tuổi, một cựu rapper đến từ Maida Vale, tây London. Người này đến Syria năm ngoái và sau đó đăng tải lên mạng xã hội Twitter một tấm hình anh ta cầm một thủ cấp. Bary có giọng nói, dáng người và màu da giống với kẻ cầm dao trong video.
Người thứ ba bị tình nghi là Aine Davis, 30 tuổi, đến từ Hammersmith, tây London, một tay "anh chị" từng buôn ma túy và sau đó chuyển sang đạo Hồi, bay tới Syria để gia nhập đội quân thánh chiến. Gia đình của Davis từ chối bình luận về nghi vấn này.
Theo Richard Barratt, cựu giám đốc bộ phận chống khủng bố thuộc Cơ quan Tình báo Mật của Anh, ông tin rằng kẻ hành quyết nhà báo Mỹ sẽ bị nhận dạng, từ các nguồn tin trong cộng đồng tình báo và từ chính mạng lưới liên quan đến Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Hôm 21/8, phóng viên người Pháp Didier Francois, người từng bị giam cùng với James Foley, cho biết kẻ hành quyết Foley "tên là John". Tên này đứng đầu nhóm phiến quân người Anh lấy tên là Killer Beatles. Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho rằng các chứng cứ cho thấy kẻ ra tay hành quyết có thể là công dân Anh. Nước này ước tính có khoảng 500 công dân sang Syria và gia nhập IS hoặc tổ chức đối thủ là Jamat al Nusrah.
Đoạn phim hành quyết nhà báo Mỹ Foley với tựa đề "Một thông điệp gửi tới Mỹ" hôm 19/8 gây chấn động thế giới. Hành động của phiến quân được cho là đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ Obama cho phép không kích đội quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Khánh Lynh