"Nếu Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực giao lộ biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan, điều đó sẽ trở thành lo ngại an ninh đối với Ấn Độ. Nếu Bắc Kinh muốn thảo luận về vấn đề này, cả hai phía nên rút lực lượng và chuyển sang đối thoại", Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố hôm 20/7. Đây là nỗ lực nhằm chấm dứt căng thẳng biên giới kéo dài hơn một tháng giữa New Delhi và Bắc Kinh, AP đưa tin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định việc Ấn Độ rút quân là "điều kiện tiên quyết và nền tảng cho bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai nước". Ông Lục Khảng cáo buộc lính biên phòng Ấn Độ đã xâm phạm biên giới Trung Quốc.
Căng thẳng bắt đầu nổ ra khi một trung đội Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 8/6 lợi dụng đêm tối lặng lẽ tiến vào cao nguyên Doklam nằm giữa biên giới Trung Quốc và Bhutan, phá bỏ những lô cốt mà quân đội hoàng gia Bhutan đã xây dựng cách đây nhiều năm để phục vụ cho các chuyến tuần tra biên giới.
Đến ngày 16/6, một đơn vị công binh Trung Quốc với xe ủi, xe lu và máy xúc tiến vào Doklam nhằm xây dựng một con đường chạy xuyên qua cao nguyên, nhưng vấp phải sự phản đối của quân đội Bhutan. Cho rằng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận không thay đổi nguyên trạng được hai nước ký năm 1998, lính Bhutan đã tranh cãi, thậm chí xô xát với lính Trung Quốc.
Lính Ấn Độ và Trung Quốc xô xát ở biên giới. Video: iNews.
Tuy nhiên, lính Trung Quốc không chịu rút đi, buộc Bhutan phải nhờ Ấn Độ giúp đỡ. Hai ngày sau, khoảng 300-400 lính Ấn Độ tiến vào Doklam, ngăn chặn đơn vị công binh Trung Quốc, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng đang kéo dài tới tuần thứ tư.
Cao nguyên Doklam nằm tiếp giáp với ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, là khu vực đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan, hai quốc gia không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ấn Độ ủng hộ nước láng giềng Bhutan trong vấn đề tranh chấp ở khu vực này.
Với lo ngại đó, Ấn Độ quyết không rút quân khỏi Doklam, đồng thời điều thêm hàng nghìn binh sĩ đến Sikkim, gần ngã ba biên giới. Trung Quốc thì cho rằng quân đội Ấn Độ đang "xâm phạm lãnh thổ" và yêu cầu họ rút ngay lập tức.
Hai nước bỏ lỡ cơ hội hạ nhiệt căng thẳng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Đức đầu tháng 7.
Tử Quỳnh