Sau khi đọc xong bài viết "Con tôi mắc bệnh hiểm nghèo mà ông bà không chịu trông cháu", xin có đôi lời gửi đến tác giả. Tôi rất hiểu tâm trạng của chị vì hoàn cảnh của tôi cũng tương tự như chị. Thay vì oán trách cha mẹ, tôi vui vẻ chấp nhận, vẫn báo hiếu cho cha mẹ đàng hoàng dẫu biết rằng họ không yêu tôi nhiều. Tôi xin kể chút về chuyện của mình để thấy chị vẫn may mắn hơn tôi, để chị lạc quan hơn mà sống.
Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo miền Tây, cha mất khi tôi vừa tròn 2 tuổi. Sau hai năm mẹ đi bước nữa sinh ra một em trai. Vì ngoan và học giỏi nên tôi được bên nội kế thương, cha kế lúc đầu cũng chăm lo gia đình nhưng khi tôi được 8 tuổi thì ông thay đổi, cờ bạc, rượu chè, bỏ bê vợ con. Mẹ tôi bán hàng ở chợ để nuôi hai con nhưng vẫn lo không đủ nên mẹ mắc nợ người ta khoảng 5,6 triệu gì đó vào năm 1998. Gia đình tôi không có đất cát gì, cả nhà ở nhờ trên đất của xã.
Tôi còn nhớ lúc 12 tuổi thấy mẹ 3 giờ sáng thức làm bánh, tôi thương lắm ra phụ mẹ. Mẹ kêu tôi vô ngủ nhưng tôi không chịu. Lúc nhỏ tôi không ý thức được vì nghèo phải cần học giỏi, chỉ học giỏi vì ham học, thích đi học. Tôi thấy mẹ cực khổ nên mong mình lớn nhanh đi làm nuôi lại mẹ. Nhà thiếu nợ không khả năng chi trả, chủ nợ làm dữ quá nên cả nhà phải trốn nợ lên tận Sài Gòn. Tôi và em phải nghỉ học ngang. Tôi buồn lắm, khóc như mưa, lúc đó mới 15 tuổi, em trai 10 tuổi. Cha mẹ không thể cho chúng tôi tiếp tục đi học vì không có tiền. Tôi đi làm công nhân, em trai vô học lớp bổ túc văn hoá dành cho hộ nghèo. Nó không thích, nói muốn học ở trường có đồng phục như người ta. Cha mẹ phớt lờ. Có lẽ chuyện học hành của con không quan trọng với họ.
Lúc đó cha tôi đi làm (ông không còn cờ bạc, rượu chè), tôi đi làm, mẹ ở nhà. Tôi nghĩ nhà có đủ tiền để lo cho em được học chính quy nhưng mẹ tiếc tiền và phải nhận kết quả đắng như bây giờ. Em tôi học bổ túc được một năm thì nghỉ, không chịu học nữa. Cha mẹ tôi cũng để mặc. Nó ăn rồi đi chơi, năm 13 tuổi bị nghiện ma túy, sau đó một năm bị bắt về tội cướp giật, ở tù một năm rưỡi. Còn về phần tôi cũng chẳng tốt đẹp gì, cũng đi vào con đường xấu. Năm 15 tuổi, tôi làm công nhân; 17 tuổi, tôi làm trong tiệm tóc nam; 19 tuổi tôi cặp kè với người có vợ để mỗi ngày anh ta cho mẹ tôi vài triệu (mẹ tôi biết chuyện này). Lúc đó mẹ nói thiếu nợ phải góp một ngày hơn cả triệu bạc. Sau đó chưa tới một năm anh ta bỏ tôi, lý do là không còn khả năng lo cho gia đình tôi nữa. Tôi trở thành người trụ cột trong gia đình lúc nào không biết, chỉ biết vì quá thương mẹ mà tôi đã sai. Tôi đã làm mẹ ỷ lại vào mình.
Sau khi chia tay tôi vào làm tiếp viên quán bia ôm. Lúc đó chỉ nghĩ phải kiếm tiền để lo chi phí trong nhà, chẳng màng tới tương lai của mình. Mẹ không đi làm, cha đi làm thì chỉ đủ lo chi tiêu cá nhân của ông. Mẹ biết tôi làm việc đó nhưng không ngăn cản, mỗi ngày được vài trăm tiền boa tôi về đưa mẹ hết. Sáng mẹ ăn phở, uống cà phê, đi chợ rồi về nhà ngủ. Có tiền sắm vàng đeo, không thích là đi đổi dù phải mất tiền công. Còn tôi sau 12 giờ đêm lết về với những cơn say bí tỉ. Tôi vẫn thương mẹ lắm. Em trai ra tù tôi càng khổ hơn vì tôi nghe lời mẹ vay nặng lãi mua xe cho nó để nó kiếm việc làm. Kết quả là nó đánh lộn, công an giữ xe. Mẹ kêu đưa 6 triệu chuộc xe. Tôi đưa nhưng chẳng thấy xe đâu (chỉ một chuyện nhỏ trong nhiều chuyện).
Em trai lại tái nghiện, cũng tốn tiền đưa cai nghiện mà không thành công. Tiền tôi đưa, mẹ không tiết kiệm được đồng nào với lý do cho em tôi chơi ma túy. Tôi không buồn nếu mẹ đừng trách ngược lại tôi (lúc đó tôi đã ra ở riêng). Mẹ nói cha tôi mất, mẹ đã nuôi tôi ăn học cực khổ, giờ lại tính toán (tôi nói con mới đưa mẹ 13 triệu mà chưa đầy một tháng mẹ xài hết rồi à) . Rồi những lời nói rất đau lòng làm tôi stress nặng.
Đỉnh điểm là năm tôi 26 tuổi đã cãi với mẹ sôi nổi (lúc trước tôi chỉ im lặng) khi mẹ so sánh tôi với người khác, cho là tôi như vậy cũng chưa đủ có hiếu. Trong lòng tôi lúc đó đã lờ mờ hiểu được mẹ không thương tôi như tôi nghĩ. Tôi thất vọng, nhận ra mình sai, không cho mẹ tiền nhiều như trước mà để tích cóp trả nợ. Tuy làm công việc ấy nhưng tôi không ăn chơi sa đọa, chỉ lo gia đình, hết giờ làm là về nhà . Tôi không đi khách, cũng không chịu cho ai bao nên tiền kiếm được cũng chẳng nhiều, chỉ đủ lo cuộc sống, chẳng dư ra được đồng nào.
Năm 29 tuổi tôi kết hôn. Anh cũng nghèo nhưng siêng năng và cực kỳ tốt. Anh yêu thương và trân trọng tôi, không chê hoàn cảnh gia đình tôi. Nhờ có anh cho tiền nên tôi không làm việc đó nữa (mỗi tháng tôi cho mẹ 8 triệu). Tôi học may, sau đó mở tiệm may, giờ thu nhập cả hai vợ chồng được trên 30 triệu mỗi tháng. Năm nay tôi đã 31 tuổi mà vẫn chưa thể sinh con vì muốn dư thêm chút tiền tiết kiệm, mở được một quán ăn cho chồng làm chủ. Khi quán hoạt động ổn định thì tôi mới sinh con. Tôi có quan điểm con mình sinh thì mình lo, không muốn nhờ bên ngoại hoặc nội phụ mình giữ con. Họ đã cực khổ lo mình lúc nhỏ thì giờ hãy để họ được thảnh thơi (dù mẹ tôi mới 48 tuổi). Chính vì vậy mà tôi phải khá rồi mới sinh con.
Sẽ có người nói: "Vậy không khá thì khỏi sinh con à". Câu trả lời là "Đúng như vậy". Với hoàn cảnh của tôi phải lo cha mẹ ruột và cha mẹ chồng, nếu không khá mà sinh con thì tiền đâu cho hai bên đây? Đến giờ tôi vẫn không trách cha mẹ, chỉ tự trách mình. Tôi thấy mình sai khi tạo điều kiện cho người thân lười nhác và ỷ lại. Tôi mong rằng nghiệp mình được giải sau bao nhiêu điều lành mà mình đã làm (tôi ăn chay, bố thí, tu thân và tu khẩu, làm công quả, cúng dường đã 3 năm). Em trai đã bị đưa đi cai nghiện bắt buộc được 5 tháng, nó nói chuyến này về bỏ luôn, làm lại cuộc đời. Nếu được thế thì mẹ tôi sẽ hết khổ. Hiện tại mẹ vẫn còn đòi tôi cho thêm tiền nhưng tôi không cho thì thôi, chứ không còn trách tôi như trước.
Tôi khuyên chị tác giả nên tìm người giúp việc lo cho con mình. Chị thử xem bà con dòng họ có ai chịu làm, trả lương 4 triệu như thế chắc có người sẽ giúp. Chị đừng tự hỏi sao cha mẹ không thương mình. Vì tôi học được thuyết luân hồi nhân quả trong nhà Phật, duyên vợ chồng, con cái, cha mẹ, được hình thành trong 4 trường hợp: báo ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ. Có lẽ kiếp trước mình mắc nợ cha mẹ nên kiếp này đầu thai trả nợ. Dù sao công sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ lúc mình mới sinh là một ân lớn mà mình phải báo đáp. Sau bao nhiêu chuyện, có thể tình cảm tôi dành cho mẹ không nhiều như trước nhưng chữ hiếu tôi nhất định phải làm tròn. Tôi sẽ nuôi cha mẹ đến cuối đời. Đối với tôi chữ hiếu luôn đứng đầu. Tôi chúc chị sớm tìm được người phụ chị chăm sóc con.
Vân