Chị hơn tôi hai tuổi, ngày còn bé xíu, chúng tôi hay nô đùa cùng đám trẻ con trong xóm. Tuy chẳng phải chị em ruột nhưng chị vẫn bênh vực tôi nhất mỗi khi có những xô xát xảy ra giữa đám trẻ con. Chị dịu dàng, nhìn vào đôi mắt chị tôi cá rằng bạn sẽ cảm thấy được an toàn, mọi thứ bình yên đến tuyệt vời. Chị bỏ học từ rất sớm, không phải gia đình không có điều kiện mà vì một lý do lãng xẹt, bố mẹ chị sinh toàn con gái và chị là con thứ ba.
Tư tưởng cộng với dị nghị của những người trong gia đình, trong xóm đối với một trưởng chi tộc của dòng họ đã biến bố chị thành con ma men không hơn không kém. Nó tàn phá không gian yên tĩnh của vùng quê ven biển, nhưng sự tàn phá đó có thấm tháp vào đâu bằng những xung đột cả về thể xác lẫn tinh thần mẹ chị, chị và cả mấy chị em của chị nữa.
Thời gian trôi nhanh như người ta ngoảnh đầu lại và cuộc đời chị bước sang một trang mới, nó còn đau khổ gấp vạn lần. Có lẽ cuộc sống không công bằng với chị hay đúng hơn nó hủy hoại chị. Ngày tôi lần đầu tiên bước chân vào đại học, chị vẫn là người mà đám thanh niên trong xã để ý tới nhiều nhất. Tôi vẫn coi chị là chị, một người chị bình thường, tuy không được học hành đến nơi nhưng chẳng ai chê trách gì chị về cách sống và sự giao tiếp ngoài xã hội.
Chị luôn vui vẻ, tích cực trong mọi việc mang tính tập thể, hình như chị cố giấu những tâm sự của mình qua những nụ cười hay là bản tính của chị như vậy. Ngã rẽ cuộc đời, chị quen và yêu một người đẹp trai, nếu ai đó không quen biết thể nào cũng đoán là người thành phố. Anh ta trắng trẻo, ăn nói lưu loát, tôi nghĩ và cầu mong đó là khoảng thời gian đẹp nhất của chị, đơn giản vì đó là tình yêu, khi yêu mọi thứ đều đẹp.
Chị đẹp, anh ta cũng đẹp trai, lại là nhà khá giả, mọi người luôn nghĩ đó là điều tuyệt vời nhất với chị. Lấy nhau chưa được bao lâu, anh ta ốm liệt giường vì căn bệnh thế kỷ, chị đang mang trong mình giọt máu của chồng. Giọt nước mắt không phải vì giận dữ, trách móc mà rơi xuống để níu giữ hy vọng, giữ cuộc sống đang xa dần. Chị gục ngã.
Tôi còn nhớ lúc thi đại học lần hai, chị nói "Chú mày còn may chán, buồn làm gì, sau chú là gia đình, cố mà học". Cái từ gia đình sao nó thiêng liêng quá, đúng là cuối con đường của một kẻ khốn nạn lẫn một vị thánh nhân vẫn là gia đình. Chị có gì nào? Tết qua đi, vẫn là cái dáng nhỏ bé, lầm lũi buớc cùng đứa con cũng lầm lũi. Hai bóng dáng ấy đi về căn nhà nhỏ mà mọi người xây cho chị ở một nơi đất trống.
Gần 8 năm tôi rong ruổi trên đất Hà Nội này như một kẻ tha phương, giữa những guồng quay, sai lầm liên tiếp. Tự nhận mình không phải là người tốt hẳn, tự thấy mình cần sửa đổi, đơn giản vì tôi còn có một gia đình và một khoảng thời gian.
Tiến