- Từ khi nào ông bắt đầu với mảng chân dung nhân vật?
- Trước khi nhân vật tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ của tôi xuất hiện, viết về ông đã có tác phẩm đỉnh cao "Ông cố vấn" của nhà văn Hữu Mai. Vũ Ngọc Nhạ là con người gần gũi. Năm 1997 ông đã về quê tôi để tìm hiểu những câu chuyện của nông dân Thái Bình. Tôi và ông trở nên gần gũi từ khi ông đọc tiểu thuyết "Ở làng lắm chuyện" của tôi. Vũ Ngọc Nhạ đã ở nhà tôi và tâm sự nhiều điều chưa nói về cuộc đời mình. Từ vốn liếng đầu tiên ông cung cấp, tôi viết cuốn "Chuyện tình ông cố vấn" được in với số lượng cao và độc giả đón nhận nhiệt tình. Đó như một mối duyên để tôi bước vào mảng chân dung nhân vật.
- Những chân dung ông chấp bút đa phần đều khó viết khó in, trong những lằn ranh sáng tối, vì sao ông quan tâm đến họ?
- Trong cuộc đời cầm bút tôi chọn con đường đi khá vất vả: viết về những người không ai dám động bút đến. Ai cũng muốn sự an toàn nhưng đã là nhà văn phải có trách nhiệm trước nhân dân, có thái độ trước đúng sai nên tôi đã dấn thân bênh vực những oan trái, bênh vực lẽ phải. Tôi đã chọn nhân vật là tướng Trần Độ, là Nguyễn Hữu Đang, là Tào Mạt... những người mà xưa nay những câu chuyện về chiến công và oan trái của họ ít người biết đến để viết. Tôi muốn có sự chân thực, có lẽ phải ở đời. Nhà văn phải dám dấn thân vào những nơi sóng gió, phải tung ném cuộc đời mình, dám ngồi bệt xuống đất mà viết. Muốn được bạn đọc đón nhận nhân vật của mình, nhà văn phải đi đến tận cùng số phận của nhân vật, có trách nhiệm trước những dư luận xã hội. Cho nên những nhân vật tôi viết, dù là "nhạy cảm" thì vẫn được đón đọc. Tôi biết người đọc đang cần đọc những cuốn sách nào, đang cần biết những nhân vật nào, cần biết điều gì đã diễn ra.
- Vậy còn những hệ lụy có thể xảy ra?
- Tôi biết việc viết của mình dễ mắc họa vào thân bởi vì xưa nay nghề cầm bút là nghề nhọc nhằn, các cụ thời xưa đã nói "Cổ kim mặc khách đa ưu họa / Chỉ vị sinh linh tả bất bình", tức là vì sự công bằng của sinh linh con người mà nhà văn phải viết.
- Tập sách "Chuyện Tướng Độ" của ông gặp rất nhiều trắc trở trước khi nó được ra mắt bạn đọc?
- Thời ấy cứ nhắc đến hai từ "Tướng Độ" là ai cũng muốn tránh, thậm chí khi tôi đi viết, cứ nhắc đến Tướng Độ là người ta không muốn nói đến nữa. Nhưng rất may tôi được anh Nghiêm Hà, nguyên là thư ký của Tướng Độ suốt từ những ngày ở chiến trường cho đến khi ông mất, giúp cho tôi toàn bộ tài liệu quý về cuộc đời Trần Độ; đại tá Trần Thắng, con trai của Tướng Độ cũng đã đưa tôi đi khắp các chiến trường mà Tướng Độ từng ở, cung cấp cho tôi những trang nhật ký của cha mình... Qua những tài liệu tôi nhìn thấy một vị tướng có dũng khí, có nhân cách.
Trong quá trình chấp bút tôi có được sự cổ vũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã chỉ cho tôi viết như thế nào để cuốn sách được ra mắt bạn đọc; có được thái độ đúng mực của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi tôi đến xin ý kiến; có được sự tiếp sức của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã trực tiếp đọc từng trang văn và viết bài "Cần lấy lại sự công bằng cho Tướng Độ", đó là những yếu tố quan trọng giúp tôi hoàn thành bản thảo. Khi "Chuyện tướng Độ" đến tay Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tôi đã gặp được ông giám đốc Phạm Quang Định và người biên tập là nhà văn Nguyễn Tiến Hải dám làm, dám chịu trách nhiệm nên cuốn sách đã vượt qua được cửa ải cuối cùng để ra mắt bạn đọc.
- Khi sách ra mắt có điều gì khiến ông nuối tiếc?
- Sau khi sách ra mắt, tôi nhận được sự cổ vũ của nhiều tướng lĩnh và bạn đọc, đương nhiên cũng có những ý kiến trái chiều nhưng không đáng quan tâm. Tôi chỉ tiếc rằng mình chưa đủ tài năng và khả năng để tái hiện chân dung một con người văn tài võ tướng. Trước một khối tư liệu quý giá, "tài hèn" của tôi chưa đủ để tạo nên những trang văn lay động bạn đọc hơn về một nhân vật đáng kính.
- Nhiều nhà văn không ngại viết về những con người gai góc nhưng lại bất lực trước những rào cản vô hình để tác phẩm chào đời, ông đã vượt qua những rào cản ấy bằng cách nào?
- Trong cuộc đời ai cũng muốn chọn con đường bằng phẳng để đi, tôi biết con đường tôi chọn đầy gai góc khó khăn, nhưng với trách nhiệm của nhà văn, tôi vẫn đi gõ cửa các nhân vật, tôi tin gõ cửa thì cửa sẽ mở, đã đi là sẽ đến vì lòng quyết tâm của mình trước bạn đọc.
- Kho tư liệu của ông còn khá dồi dào, với một người đã ở tuổi thất thập ông có lo ngại quỹ thời gian không còn nhiều để giải phóng chúng thành tác phẩm?
- Tôi biết thời gian rất khắc nghiệt với con người nhưng tôi vẫn phải nỗ lực làm việc để trả nợ các nhân vật mà mình dành tâm huyết.
- Tuổi đã cao nhưng ông vẫn đi và viết đều, văn nghiệp của Võ Bá Cường thiên về già khi mà gừng đang ở độ cay. Ông nghĩ sao?
- Tôi không thích sự "viết khéo" mà thích viết bằng vốn sống thực tế. Tôi có may mắn được sống và làm việc gắn bó với vùng biển đảo, đồng bằng với những người nông dân chất phác. Nơi tôi ở là nơi tụ họp của giới cần lao, từ anh lái xe bò, anh xích lô đến anh chữa xe đạp, họ đều coi tôi như người nhà. Vốn sống ấy dội vào tôi. Tôi đã sống kỹ lưỡng nên khi viết tôi thích dùng những tư liệu sống ấy. Tuổi già người ta thường sống bằng ký ức, những kỷ niệm dội lại tạo cho tôi nguồn cảm hứng, tôi muốn đi lại những nơi mình đã đi qua, về những làng quê mà tôi đã sống, tiếp tục với những thân phận mà mình hằng theo đuổi. Càng đi tôi càng say sưa với những trang bản thảo để trả nợ đời, trả những món nợ của những ân nhân, những người đã giúp tôi từ những miếng cơm manh áo...
- Hiện ông đang viết gì?
- Tôi đang hoàn thành tập hồi ký "Vị tướng con dân" viết về Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên thứ trưởng Bộ Công an để xuất bản trong năm nay.
- Điều gì khiến ông quyết định chấp bút cho hồi ký này?
- Thượng tướng Lê Thế Tiệm là người suốt mấy chục năm đã lăn lộn với hàng trăm vụ án, trong đó có nhiều vụ trọng án như vụ Năm Cam và đồng bọn, trong quá trình phá án ông đã gặp không ít những rào cản và ông đều đã vượt qua. Tôi quyết định chấp bút hồi ký này vì những điều tôi biết về Lê Thế Tiệm hội tụ nhân cách của người chiến sĩ công an nhân dân trong thời buổi có nhiều sự cám dỗ.
Nhà văn Võ Bá Cường sinh năm 1940 tại Thái Bình. Các tập truyện ký đã xuất bản: Chuyện tình ông cố vấn; Chuyện Tướng Độ; Những người thầy đặc biệt; Chảo lửa; Thời tôi sống. Trước khi nghỉ hưu ông làm việc tại Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình. |
Dương Tử Thành thực hiện