![]() |
Bà Trần Thị Kim Phượng. Ảnh: A.X |
Theo trình bày của bà Trần Thị Kim Phượng, trú tại quận Gò Vấp, sau khi chồng mất để lại tờ di chúc thừa kế căn nhà ở đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Do phát sinh tranh chấp, bà đã nhờ luật sư Vương Trọng Vĩnh bảo vệ quyền lợi. Hai bên thỏa thuận: tiền thù lao là 30 triệu đồng và 30% tài sản được chia (ước tính khoảng 1 tỷ đồng). Do hiểu biết pháp luật hạn chế và đặt hết niềm tin vào luật sư nên khi ông Vĩnh đề nghị bà Phượng ký tên, lăn tay vào giấy vay ông Vĩnh 300 triệu đồng nhằm hợp thức hóa số tiền thù lao trên nên bà Phượng đã đồng ý. Tuy nhiên, sau khi nhận 30 triệu, ông Vĩnh không làm gì nhưng khi biết bà thỏa thuận được với các đồng thừa kế khác, được chia 500 triệu thì luật sư này liên tục yêu cầu "bồi dưỡng" 100 triệu.
Cũng theo bà Phượng, do bà không đồng ý nên ông Vĩnh hạ giá còn một nửa và buộc bà phải ký giấy "làm tròn trách nhiệm" và "phí bồi dưỡng thù lao 50 triệu" do ông viết sẵn. Khi xin lại giấy vay tiền khống thì ông Vĩnh bảo là đã xé bỏ rồi. Nhưng sau đó, ông Vĩnh gọi điện yêu cầu phải đưa 50 triệu trong 30 ngày nếu không ông sẽ đòi đủ cả phần nợ khống. Ngày 15/11/2005 bà Phượng làm đơn tố cáo gởi công an quận Tân Bình nhưng cơ quan này không khởi tố vụ án. Sau đó, ông Vĩnh gửi đơn ra tòa kiện bà Phượng để đòi tiền nhưng là số tiền 400 triệu đồng và lãi suất 1%/tháng.
Về phía nguyên đơn, ông Vĩnh thừa nhận có thỏa thuận tiền thù lao là 30 triệu đồng và 30% tài sản được chia nhưng do bà Phượng đề nghị và ông chưa nhận đồng nào. Ông Vĩnh cũng phủ nhận việc buộc bà Phương ký vào giấy vay tiền và cho biết, bà Phượng đã nhiều lần mượn tiền của vợ chồng ông.
Phiên tòa sơ thẩm trước đó, TAND quận Gò Vấp đã tuyên buộc bà Phượng trả cho ông Vĩnh gần 534 triệu đồng, gồm tiền nợ và tiền lãi. Bà Phượng một mực khẳng định: chỉ viết một giấy nợ khống 300 triệu, hoàn toàn không viết, ký, lăn tay vào giấy nợ 400 triệu. Bà Phượng yêu cầu được giám định lại giấy nợ nhưng tòa không chấp nhận với lý do đã giám định rồi. Tuy nhiên, bà Phượng cho biết, cả hai bản giám định đều lập lờ nên làm đơn kháng án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Lê Quang Y, bảo vệ quyền lợi cho bị hại, đã cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi... "viết án trước khi tuyên". Ông Y phản án, bản án của tòa sơ thẩm đã đánh máy sẵn phần nợ gốc và tiền lãi của số tiền bà Phượng đã vay, chỉ chừa một số khoảng trống để ghi... án phí mà bị đơn phải chịu. Ngoài ra, luật sư Y cũng trình bày một điều bất thường khác là dù phía ông Vĩnh chưa yêu cầu kê biên khẩn cấp căn nhà mẹ con bà Phượng đang ở đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp nhưng tòa án sơ thẩm đã "nhanh tay" kê biên cho ông Vĩnh trước đó 1 ngày.
Do vậy, HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để làm rõ một số vấn đề. Ngày 25/1 tới, phiên tòa sẽ được mở lại.
N. Hải