Một ngày cuối tháng 5, chị Lan cùng chồng - anh Tuấn đến TAND Hà Nội để nghe cấp phúc thẩm phán quyết mối quan hệ vợ chồng của hai người. Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo muốn hàn gắn tình cảm vợ chồng của chị.
Chị và anh Tuấn đến với nhau tự nguyện. Hai người kết hôn vào tháng 8/2000 tại phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Hạnh phúc không được bao lâu, đến năm 2006, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn do bất đồng quan điểm.
Thời gian đó, anh chị đã có hai con đủ “nếp, tẻ”. Trong khi vợ không đồng ý ký vào đơn ly hôn, anh nhất quyết đề nghị tòa án nhân dân quận Thanh Xuân xem xét giải quyết. Anh bảo, tình cảm vợ chồng không còn nên muốn giải thoát bản thân và để hai con cho chị chăm sóc.
Chị xác nhận vợ chồng có phát sinh mâu thuẫn từ năm 2011 và sống ly thân từ thời gian này nhưng không đồng ý ly hôn với anh. Chị muốn các con có đủ bố mẹ, đồng thời tố cáo anh có người phụ nữ khác nên phụ bạc mình.
Tại bản án sơ thẩm cuối tháng 2/2016, TAND quận Thanh Xuân chấp nhận đơn xin ly hôn của anh. Tòa quyết định chị nuôi hai con, anh có trách nhiệm cấp dưỡng 4 triệu đồng phụ vợ và được quyền đi lại thăm con. Ngày 10/3, chị làm đơn kháng cáo đề nghị tòa xem xét, giải quyết để gia đình đoàn tụ.
Tại phiên phúc thẩm, chị Lan không thay đổi kháng cáo. Tuy nhiên, sau phiên ly hôn sơ thẩm, cả hai người không có phương án giải quyết nào để hàn gắn tình cảm vợ chồng.
Trình bày trước HĐXX phúc thẩm, chị cho hay, khi ly hôn, anh không trao đổi gì với vợ. Anh tự đem đơn ly hôn tới tòa. “Anh không về nhà, vợ điện thoại cũng không nghe máy”, chị nói.
Giọng nghẹn ngào, chị tâm sự một mình nuôi hai con, công ăn việc làm không có trong khi mọi việc gia đình nhà chồng bản thân vẫn phải lo. “Các con tôi đang tuổi ăn học. Nếu ly hôn tôi làm sao nuôi được hai con”, chị trình bày.
Người phụ nữ cho hay, sau khi kết hôn vợ chồng ở quận Thanh Xuân trên mảnh đất bố mẹ mua cho. Thời điểm đó, anh còn làm ở VKS Bắc Ninh, vợ chồng xa cách. Tuy nhiên cả hai không có mâu thuẫn gì. “Từ ngày anh ấy làm phó chánh án ở một huyện tại Hòa Bình thì không về nhà vì cặp bồ”, chị tố cáo.
Trước lời lẽ quả quyết của chị, chủ tọa đề nghị đưa bằng chứng việc anh ngoại tình. Nhanh nhảu, chị lục trong túi xách lấy xấp ảnh anh chụp với người tình trình lên HĐXX. Sau đó, chị tố người tình của chồng không ai khác là người anh từng xét xử ly hôn. Sau khi giải quyết ly hôn, anh cặp bồ luôn với đương sự.
Người đàn bà cố níu cuộc hôn nhân tiếp tục cho hay, ban đầu anh còn phủ nhận mối quan hệ với người khác. Tuy nhiên, đến năm 2015 khi bố chồng chị mất, anh đã đưa người phụ nữ này về nhà, kêu chị phải coi đó là “bà hai”. Chị quyết liệt phản đối, gia đình anh cũng phản đối mối quan hệ đó.
“Anh ấy còn bắt tôi ly hôn giả để có thể kết hôn với cô kia”, chị nói.
“Tôi muốn hỏi một lần nữa nguyện vọng của chị như thế nào?”, chủ tọa hỏi. Chị bảo muốn cùng anh nuôi dạy các con khôn lớn. Các con bây giờ lớn rồi, nếu không có bố không biết sẽ có chuyện gì xảy ra.
Sau những lời trình bày của vợ, anh Tuấn cho rằng chị nói “gần đúng”. Anh nói, vợ chồng mâu thuẫn từ năm 2006, do thường không gặp nhau nên không có sự chung thủy. Đến 2008-2009, hai người chính thức không ở với nhau, mỗi người một nơi. Từ ngày ly thân, anh thừa nhận không quan tâm đến con cái như lời vợ nói.
“Anh là người thiếu trách nhiệm”, chủ tọa nói. “Vâng ạ”, anh trả lời.
Cho rằng hàn gắn cuộc hôn nhân trong khi anh cương quyết ly hôn, sẽ là gánh nặng cho cả hai, tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của chị, giữ nguyên quyết định của cấp sơ thẩm.
Việt Dũng
* Tên nhân vật đã thay đổi.