Theo nội dung vụ án, vợ chồng bà Tuyết (76 tuổi, Việt kiều Mỹ) được cha mẹ để lại căn nhà trên đường Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM).
Tháng 9/1984, vợ chồng bà ký hợp đồng cho Công ty quản lý nhà TP HCM mượn căn nhà trong 15 năm. Công ty tạm ứng cho vợ chồng bà 1,5 triệu đồng; chủ nhà có nghĩa vụ thanh toán lại số tiền sau khi trừ khấu hao cơ bản theo niên hạn sử dụng khi lấy nhà.
Cùng ngày, công ty này ký hợp đồng cho Công ty xuất nhập khẩu lương thực (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thuê lại trong 5 năm với số tiền tạm ứng là 1,5 triệu đồng. Số tiền này được Công ty quản lý nhà tạm ứng cho vợ chồng bà Tuyết và trừ vào tiền thuê nhà hàng tháng. Khi chủ nhà đòi lại, bên cho thuê sẽ báo trước cho bên thuê 3 tháng để di dời.
Từ năm 1991 đến 2008, khi số tiền tạm ứng được trừ hết vào việc thuê nhà, Công ty quản lý nhà nhiều lần ký thêm các hợp đồng cho thuê với Công ty xuất nhập khẩu lương thực theo giá hiện hành.
Đến năm 1999, công ty lương thực đã hai lần sửa chữa, xây dựng căn nhà và cam kết không yêu cầu bồi hoàn chi phí. Việc sửa chữa được Công ty quản lý nhà cấp giấy thỏa thuận không ảnh hưởng đến kết cấu nhà. Trên thực tế, công ty lương thực đã tự ý xây dựng thêm một lầu, trổ cửa từ ranh tường nhà bà Tuyết thông với ngôi nhà kế bên là tài sản từ trước của Công ty lương thực.
Sau thời gian định cư ở nước ngoài, năm 2005, vợ chồng bà Tuyết về Việt Nam và có đơn đòi lại nhà. Gần một năm sau, Công ty lương thực (lúc này đổi tên thành Công ty Cổ phần Hoàn Mỹ) có văn bản gửi Sở xây dựng đồng ý trả lại căn nhà, không yêu cầu bồi hoàn chi phí xây dựng. Tuy nhiên, nhiều năm sau khi đã hết hạn thuê nhưng Công ty Hoàn Mỹ vẫn không bàn giao nhà.
Công ty quản lý nhà sau đó khởi kiện, yêu cầu Công ty Hoàn Mỹ trả lại căn nhà để trả cho vợ chồng bà Tuyết.
Quá trình giải quyết vụ án, Công ty Hoàn Mỹ cho rằng, hơn 30 năm trước công ty có thỏa thuận mua đứt căn nhà của vợ chồng bà Tuyết với số tiền 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, thời điểm này không được sang nhượng trong trường hợp đi xuất cảnh nên không thể mua bán hợp pháp. Trường hợp phải trả lại, công ty yêu cầu Công ty quản lý nhà thành phố phải trả lại chi phí sửa chữa, xây dựng và số tiền 1,5 triệu đồng theo giá hiện hành (tương đương hơn 730).
Phía bà Tuyết cho biết, khi nhận nhà sẽ tự nguyện trả lại 1,5 triệu đồng tiền tạm ứng trước đây theo giá hiện hành. Tuy nhiên, bà không đồng ý thanh toán chi phí xây dựng sữa chữa cho Công ty Hoàn Mỹ bởi họ tự làm, trái với thỏa thuận của các bên.
Sau nhiều năm thương lượng bất thành, hồi tháng 8 năm ngoái TAND quận 3 xử sơ thẩm, buộc Công ty Hoàn Mỹ trả lại nhà cho Công ty quản lý nhà thành phố để giao cho vợ chồng bà Tuyết. Ghi nhận sự tự nguyện của vợ chồng bà Tuyết về việc trả lại cho Công ty quản lý nhà 1,5 triệu đồng tiền tạm ứng theo giá trị hiện hành.
Theo HĐXX, bà Tuyết là người thừa kế hợp pháp căn nhà. Trong thời gian vợ chồng bà xuất cảnh đã cho thành phố mượn, phục vụ mục đích công ích - là phù hợp với chính sách của Nhà nước. Nay hợp đồng cho mượn đã hết, thành phố có nghĩa vụ phải trả lại. Công ty Hoàn Mỹ cho rằng đã mua lại căn nhà với số tiền 1,5 triệu đồng nhưng không đưa ra được chứng cứ nên không được toà chấp nhận.
Không đồng ý với phán quyết này, phía bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án.
Tại phiên phúc thẩm mới đây của TAND TP HCM, các bên giữ nguyên quan điểm. Phía bà Tuyết cho biết, nếu bị đơn muốn mua lại căn nhà, bà sẽ bán với giá 42 tỷ đồng. Còn Công ty Hoàn Mỹ thì ra điều kiện, nếu bà Tuyết muốn nhận lại căn nhà phải trả cho công ty 62 tỷ.
Sau khi hội ý, phía công ty Hoàn Mỹ đưa ra mức giá có thể mua là 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía bà Tuyết không đồng ý. Họ cho rằng số tiền nói trên "đã là có thiện chí".
Do các bên không tìm được tiếng nói chung, chủ tọa phiên tòa dành khá nhiều thời gian phân tích. "Để sớm kết thúc vụ án đã kéo dài 10 năm gây mệt mỏi cho các đương sự, mỗi bên phải bớt một chút", bà nói và gợi ý đưa ra mức giá chung là 36 tỷ đồng cho các bên thêm thời gian suy nghĩ.
Mở lại phiên tòa sau một tuần tạm hoãn, phía bà Tuyết chấp thuận gợi ý của tòa, song Công ty Hoàn Mỹ cho rằng "32 tỷ là mức giá cao nhất có thể mua".
Do các bên không thể hòa giải, HĐXX sau đó đã tuyên y án sơ thẩm, buộc Công ty Hoàn Mỹ phải trả lại nhà.
Hải Duyên