Ngày 30/5, tại phiên toà xét xử Nguyễn Đức Kiên, VKSND Hà Nội bác bỏ ý kiến của luật sư cho rằng cơ quan công tố đã vượt quá quyền hạn khi truy tố. "Chúng tôi không làm xấu đi tình trạng của các bị cáo", hai công tố viên khẳng định.
Công tố viên Đỗ Thị Thu Yến cho biết 6 công ty do bầu Kiên làm chủ tịch HĐQT có đăng ký kinh doanh nhưng đều không có ngành nghề kinh doanh tài chính. Do vậy không được kinh doanh mua cổ phần, cổ phiếu và góp vốn vào doanh nghiệp khác.
VKS cho rằng ngày 10/12/2009, ông Lê Quang Trung (tổng giám đốc công ty Thiên Nam, một trong các công ty trên) và Lý Xuân Hải (Tổng giám đốc Ngân hàng ACB) ký thủ tục về hợp đồng kinh doanh với nội dung: Bên A - công ty Thiên Nam đồng ý mua trạng thái vàng, bên B – Ngân hàng ACB đồng ý bán trạng thái vàng. Căn cứ hợp đồng này, ông Kiên chỉ đạo công ty Thiên Nam kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài. "Hoạt động này không được ngân hàng nhà nước cấp giấy phép, vì vậy các bị cáo đã vi phạm Điều 159 Bộ luật Hình sự", công tố viên nêu quan điểm buộc tội bị cáo Kiên kinh doanh trái phép.
Về hành vi trốn thuế, công tố viên Yến cho rằng, công ty B&B ký hợp đồng uỷ thác đầu tư tài chính với ACB, tổng khối lượng giao dịch vàng, sau khi trừ các chi phí, công ty thu lãi hơn 100 tỷ đồng. Số tiền này sau đó đã được chuyển cho bà Nguyễn Thuý Hương (em gái bầu Kiên), người góp vốn cùng công ty B&B đầu tư vàng. Số tiền bà Hương nhận được là 99%, 1% trích trừ cho công ty B&B chi phí uỷ thác. Điều này cho thấy, công ty B&B kinh doanh có lãi, chứ không lỗ như lời khai của bị cáo Kiên và bản bào chữa của các luật sư.
Về ý kiến các luật sư cho rằng hợp đồng uỷ thác kinh doanh vàng giữa công ty B&B và bà Hương, pháp luật không cấm, chưa có cơ quan nhà nước nào quy định hợp đồng trên là vô hiệu…. VKS thấy, công ty B&B không có phép kinh doanh uỷ thác đầu tư và kinh doanh vàng. Bà Hương không được uỷ thác ký kinh doanh vàng nước ngoài, cũng không đăng ký kinh doanh vàng theo quy định nhà nước. Trên thực tế, bà Hương là người ký hợp đồng uỷ thác với công ty B&B, đặt cọc tiền để kinh doanh song không thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Viện dẫn Nghị quyết 32 về việc toàn bộ thu nhập cá nhân phải nộp thuế, VKS cho biết Công ty B&B đã vi phạm pháp luật khi chuyển tiền cho bà Hương và không kê khai để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Sau khi nhận tiền, bà Hương lại chuyển cho anh trai, điều này tiếp tục trái với quy định luật thuế thu nhập cá nhân, thực chất là hành vi trốn thuế.
Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường trong phần đối đáp về hành vi cố ý làm trái của nhóm 6 cựu lãnh đạo cao cấp của ACB cho biết tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, liên quan đến vấn đề an ninh tài chính quốc gia. Các doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ các Luật đầu tư, thương mại còn phải làm theo Luật các tổ chức tín dụng. Các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật nhưng vì lợi ích nhỏ của ngân hàng ACB vẫn làm trái vì vụ lợi.
Khi thực hiện chỉ đạo, Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS hợp tác đầu tư với hai công ty của mình ACI và ACI Hà Nội. Các hợp đồng mà ACB và ACBS ký với các đối tác, nếu tách riêng thì tuân thủ theo các quy định pháp luật. Nhưng gộp lại thì là trái vì tiền của ACB về chính ACB. Để tránh bị phát hiện, dòng tiền này được núp đưới các hợp đồng, liên ngân hàng, hợp tác đầu tư. Như vậy, các nhà đầu tư chứng khoán sẽ không biết ACB mua chứng khoán của chính mình.
Về việc ACB uỷ thác gửi 718 tỷ đồng vào Vietinbank và bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, VKS cho biết trong giấy phép của ACB không có ủy thác cho vay và uỷ thác gửi tiền mà chỉ có nội dụng tiếp nhận uỷ thác. Khi các nhân viên nhận uỷ thác chỉ là hình thức, họ không làm gì ngoài việc đến ký để nhận thưởng, không có trách nhiệm nào về mặt thực tế. Việc cung cấp chứng minh thư... để gửi tiền đều không phải do các cá nhân được uỷ thác làm. "Hoạt động gửi tiền này bị nhà nước cấm", VKS nêu quan điểm.
Theo VKS, chủ trương và việc thực hiện gửi tiền không đúng quy định dẫn đến việc số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt. "Như vậy việc làm trái của lãnh đạo ngân hàng ACB và hành vi chiếm đoạt của Huỳnh Thị Huyền Như là mối quan hệ biện chứng, nhân quả", VKS đối đáp.
Chiều muộn 30/5, trong phần đối đáp với VKS về tội danh bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều lần phải dừng lại để uống nước, Bầu Kiên cho biết ngày 21/5/2012, khi ACBI ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu với Công ty thép Hoà Phát, tại thời điểm này, ngay lập tức người mua và công ty xác nhận chuyển đổi cổ phiếu mặc dù chưa trả tiền đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
"Việc đó là vi phạm pháp luật, bị cáo Kiên nói và cho biết không có bất kỳ khiếu nại nào, cũng không đề nghị các cơ quan tố tụng vào cuộc. “Tôi cho rằng sai sót không cố ý, vốn là bạn bè nên tôi không gây khó khăn cho họ”, bị cáo trình bày.
Mặc dù cho biết không muốn đổ trách nhiệm cho phía Hòa Phát, song bầu Kiên nói nhiều đến tập đoàn này trong phần đối đáp dài gần hai giờ đồng hồ của bị cáo. Bị cáo cho rằng không có ý thức chiếm đoạt tiền, rằng, tập đoàn Hòa Phát “vô cùng lớn mạnh” tất cả tiền bạc được quản lý tập trung vô cùng. Bị cáo khoe biết tập đoàn này quản lý tiền như thế nào. “Một cái ví có nhiều ngăn, có ngăn đựng tiền của công ty một thành viên thép, có ngăn đựng tiền của tôi…”, ông Kiên nói.
Theo bị cáo, trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu, trong ví của Hòa Phát có phần của anh em Bầu Kiên ủy thác cho tập đoàn này là 450 tỷ đồng. Khi ký 2 hợp đồng hoán đổi để thực hiện việc chuyển đổi, Hòa Phát phải chờ nhận được tiền của bị cáo chuyển qua tài khoản của bà Nguyễn Thúy Lan (em gái bầu Kiên) rồi đến những nơi Hòa Phát yêu cầu.
Sau đó, Hòa Phát mới rút từ một ngăn khác trả cho công ty ACBI. Dù trước hay sau, Hòa Phát đang cầm 600 tỷ đồng của bị cáo. "Cùng số lượng, cùng đơn giá, cùng thời điểm, tiền vào, tiền ra là trong ví của “ông tập đoàn Hoà Phát” và trong đó cho thấy bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tiền. Nếu có ý đó thì không bao giờ tôi để lại 600 tỷ đồng đó trong ví của ông tập đoàn Hòa Phát”, bị cáo Kiên trình bày.
Trong khi đó, ông Trần Đình Long (chủ tịch tập đoàn Hoà Phát) cũng cho hay là bạn bè lâu năm với Bầu Kiên, hai bên không có mâu thuẫn, vướng mắc gì trong việc làm ăn. Song ông vẫn bảo lưu ý kiến rằng không biết việc đàm phán giữa ACBI và công ty Thép Hòa Phát. “Khi ký hợp đồng chuyển nhượng tôi đâu có nghĩ việc anh Kiên lừa tôi. Việc bị lừa chỉ là khách quan”, ông Long nói với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát chia sẻ, thời điểm năm 2012, kinh tế nhiều khó khăn, chủ trương Hoà Phát co cụm lại để đầu tư chính vào ngành thép. Ông Kiên có trường vốn hơn Hòa Phát nên ông đã rất muốn mua cổ phiếu ACBI đang sở hữu.
Sau phần đối đáp của ông Kiên, thẩm phán chủ tọa Nguyễn Hữu Chính thông báo khép lại 5 ngày tranh tụng. Dự kiến ngày 2/6, tòa sẽ để các bị cáo nói lời sau cùng.
Việt Dũng