Ngày 18/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, dự kiến ra mắt Tòa gia đình và người chưa thành niên trực thuộc TAND TP HCM từ 3/4. Thành phố cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đảm bảo cho tòa chuyên trách này hoạt động. TAND TP HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước thí điểm hoạt động tòa này.
Theo Chánh án TAND Tối cao, việc tổ chức các tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện theo quy định của Luật tổ chức TAND năm 2014 phải căn cứ vào thực tế xét xử của mỗi tòa; tùy thuộc vào đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký của từng tòa mà đề xuất để Chánh án TAND Tối cao xem xét và quyết định.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách tư pháp trong TAND và triển khai hướng dẫn của TAND Tối cao về thành lập các tòa chuyên trách, ông Chu Thành Quang - Phó Vụ pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao - cho biết, đây là tòa chuyên trách mới được thành lập nhằm bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam.
Cụ thể là bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật; Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ quyền trẻ em. Đây cũng là một trong những dấu ấn quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp và việc đổi mới hoạt động của TAND.
Theo ông Quang, Tòa án gia đình và người chưa thành niên được kỳ vọng là tòa án thân thiện với trẻ em, giải quyết hiệu quả, hợp tình hợp lý những vụ việc về hôn nhân gia đình.
Chánh án TAND TP HCM Ung Thị Xuân Hương cho hay, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cho việc ra mắt tòa chuyên trách này. Sau khi thí điểm sẽ nhân rộng cho các tòa án quận, huyện.
Liên quan đến việc cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại tòa, Chánh án Hương cho biết thêm, TAND TP HCM đã ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin vào việc tiếp nhận, quản lý, kiểm soát việc giải quyết án từ đầu vào đến kết quả giải quyết đầu ra. Do đó, phần mềm sẽ phát hiện những sai sót như: quá hạn giải quyết công việc, sai thẩm quyền, lỗi vi phạm… để lãnh đạo có thể nhắc nhở, đôn đốc giải quyết.
Sau một thời gian áp dụng mô hình này, toàn bộ hồ sơ thụ lý, các văn bản tố tụng, bản án khi phát hành đều được áp mã vạch; khắc phục việc chậm chuyển hồ sơ, bản án, quyết định, thông báo thụ lý, lệnh tạm giam; công tác tiếp nhận và xử lý các đơn thư kháng cáo, kháng nghị, đơn thư khiếu nại được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, cơ cấu TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tòa Hình sự, Dân sự, Hành chính, Kinh tế, Lao động và Tòa án gia đình và người chưa thành niên. TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có tòa Hình sự, Dân sự, Tòa gia đình và chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Tuy nhiên, đến nay, Tòa gia đình và người chưa thành niên mới được đưa vào thí điểm. |
Hải Duyên