Theo quy định tại Điều 527, 528 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về hợp đồng vận chuyển hành khách: Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thoả thuận, còn hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản hoặc bằng lời nói. Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.
Theo Điều 529, bên vận chuyển có các nghĩa vụ sau đây:
"1. Chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, văn minh, lịch sự và bằng phương tiện đã thoả thuận một cách an toàn, theo lộ trình; bảo đảm đủ chỗ cho khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải.
2. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách theo quy định của pháp luật.
3. Bảo đảm thời gian xuất phát đã được thông báo hoặc theo thoả thuận.
4. Chuyên chở hành lý và trả lại cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thoả thuận theo đúng thời gian, lộ trình.
5. Hoàn trả cho hành khách cước phí vận chuyển theo thoả thuận. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 69 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn quy định: Người kinh doanh vận tải hành khách phải có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm sẽ được tính vào giá vé hành khách.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại
Theo 533 Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
"1. Trong trường hợp tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Trong trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thoả thuận, các quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường".
Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, khi bạn mua vé đi xe khách thì giữa bạn và phía chủ xe đã phát sinh một hợp đồng vận chuyển hành khách, vé xe được coi là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa hai bên. Việc mua bảo hiểm cho hành khách là nghĩa vụ bắt buộc của chủ xe. Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong trường hợp xe bị tai nạn gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của bạn thì bên vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường (trừ trường hợp thiệt hại xảy ra là do lỗi của bạn). Tuy nhiên cần lưu ý, theo quy định tại Điều 14 Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16/09/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: “trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại".
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội