Theo khoản 2, khoản 3 Điều 17 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường hợp người đang chấp hành tại cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn thì giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm. Cơ quan công an có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cai nghiện bắt buộc trong việc truy tìm, đưa người đó trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trường hợp tìm được người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn mà không tự nguyện chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì bị áp giải đưa trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.
Khoản 3 Điều 32 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định, trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, học viên vi phạm quy chế, nội quy của cơ sở cai nghiện bắt buộc thì bị kỷ luật bằng một trong các hình thức: phê bình, cảnh cáo, giáo dục tại phòng kỷ luật.
Trường hợp người cai nghiện vì bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện mà có các hành vi đập phá, hủy hoại tài sản của cơ sở cai nghiện, tấn công người khác… thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích…
Về thời hạn cai nghiện bắt buộc, theo khoản 2 Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng.
Theo khoản 4 Điều 17 Nghị định 221/2013/NĐ-CP, thời gian bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Luật sư Kiều Anh Vũ
Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn
Xem thêm:
>>Ba học viên cầm đầu hơn 500 người trốn trại cai nghiện
>>Đêm náo loạn của hơn 500 học viên cai nghiện
>>Trung tâm cai nghiện tan hoang sau khi bị hơn 500 người đập phá