Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị đinh số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì một trong những phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch là “Thay đổi họ, tên, chữ đêm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh, nhưng cá nhận có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự”.
Những “lý do chính đáng” để thay đổi họ, tên, chữ đệm được quy định tại Điều 27 BLDS gồm: “Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây: Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại; thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính; các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.”
Theo các Điều 37, Điều 38 Nghị định 158/2005/NĐ-CP, nếu việc sử dụng tên đệm của bạn làm cho tên gọi của bạn giống phụ nữ và việc sử dụng tên đệm đó “gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp” của bạn thì bạn có thể tiến hành việc thay đổi tên đệm (thực hiện các thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch) tại “Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây”
Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai (theo mẫu quy định),
- Xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch;
- Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch.
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi, cải chính hộ tịch có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp ghi vào sổ đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 27 BLDS thì “Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ”. Do vậy, những bằng cấp trước đây của bạn vẫn còn giá trị.
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 158/2010/NĐ-CP về giá trị pháp lý của giấy tờ hộ tịch có quy định “Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch là căn cứ pháp lý xác nhận sự kiện hộ tịch của cá nhân đó”. Theo đó, giấy tờ hộ tịch được cấp cho đương sự sau khi thay đổi, cải chính hộ tịch là căn cứ xác nhận sự kiện thay đổi họ tên của đương sự và đương sự có quyền sử dụng tên họ của mình sau khi thay đổi. Nếu trước khi ra trường, bạn đã hoàn tất thủ tục thay đổi tên đệm thì bạn được cấp bằng tốt nghiệp với tên đệm mới.
Luật sư Nông Thị Hồng Hà
Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội