Nghị định 54/2017 quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực từ ngày 1/7 yêu cầu với quảng cáo thuốc không được sử dụng thông tin, hình ảnh gây hiểu nhầm về thành phần, tác dụng, chỉ định, xuất xứ của thuốc. Các nội dung tạo ra cách hiểu: thuốc này là số một; thuốc này là tốt hơn tất cả; sử dụng thuốc này là biện pháp tốt nhất; sử dụng thuốc này không cần ý kiến của thầy thuốc; thuốc này hoàn toàn vô hại; thuốc không có tác dụng có hại.
Đặc biệt, các từ, cụm từ: “điều trị tận gốc”, “tiệt trừ”, “chuyên trị”, “hàng đầu”, “đầu bảng”, “đầu tay”, “lựa chọn”, “chất lượng cao”, “đảm bảo 100%”, “an toàn”, “dứt”, “cắt đứt”, “chặn đứng”, “giảm ngay”, “giảm liền”, “giảm tức thì”, “khỏi ngay”, “khỏi hẳn”, “yên tâm”, “không lo”, “khỏi lo”, “khuyên dùng”, “hotline”, “điện thoại tư vấn” và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự sẽ không được xuất hiện trong nội quảng cáo mặt hàng này.
Các kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo thuốc; hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế... cũng không được sử dụng.
Cũng theo Nghị định 54/2017, thông tin sau bắt buộc phải có trong nội dung quảng cáo thuốc: tên thuốc; thành phần dược chất hoặc dược liệu ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được phê duyệt.
Dược liệu phải viết tên tiếng Việt, trường hợp không có tên tiếng Việt thì ghi tên La-tin với nội dung chỉ định; cách dùng; liều dùng; chống chỉ định, những khuyến cáo cho đối tượng đặc biệt (phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính).
Lời dặn "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng"... là nội dung không thể bỏ qua khi quảng cáo.
Phi Vũ