Quy định về trợ cấp mất việc và trợ cấp thôi việc đã được nêu trong Bộ luật Lao động 2012. Tùy trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp phải trả một trong hai khoản cho người lao động, cụ thể như sau:
Đối với trợ cấp mất việc, theo Điều 44, doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động hoặc vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc mà doanh nghiệp không thể giải quyết được việc làm mới thì phải trả trợ cấp mất việc làm. Điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp là đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ 12 tháng trở lên. Mức trợ cấp mỗi năm làm việc là một tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.
Đối với trợ cấp thôi việc, theo Điều 48, khi hợp đồng lao động chấm dứt thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương:
- Hết hạn hợp đồng lao động.
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án.
- Người lao động chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, với quy định nói trên, khi giải thể doanh nghiệp, người lao động thuộc trường hợp nào thì được hưởng với loại trợ cấp tương ứng.
Ví dụ: tại thời điểm giải thể thì hợp đồng lao động của anh A với doanh nghiệp cũng hết hạn thì anh A chỉ được trợ cấp thôi việc mà không được trợ cấp mất việc. Với anh B khi hợp đồng còn hạn (hoặc thuộc một trong các trường hợp thuộc Điều 48 đã liệt kê ở trên) thì anh B được trợ cấp mất việc nhưng không được trợ cấp thôi việc.
Về giải thể doanh nghiệp sau đó thành lập doanh nghiệp mới:
Theo Luật Doanh nghiệp khi doanh nghiệp chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp mới phải kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được chuyển đổi. Tuy nhiên, với trường hợp bạn nêu thì không thuộc trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty TNHH.
Trường hợp này Công ty TNHH là một pháp nhân mới, hoàn toàn độc lập, không liên quan đến công ty cổ phần, không có nghĩa vụ phải kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần. Các quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần khi tiến hành giải thể do công ty cổ phần tự thực hiện và chỉ khi thực hiện xong thì mới được cơ quan có thẩm quyền cho phép giải thể.
Do vậy, trường hợp bạn thành lập công ty TNHH và chuyển toàn bộ người lao động sang thì công ty cổ phần cũng vẫn phải thanh toán các khoản trợ cấp (mất việc hoặc thôi việc) cho người lao động. Giữa người lao động và công ty TNHH sẽ xác lập hợp đồng lao động mới với các nội dung do các bên thỏa thuận, không liên quan gì đến hợp đồng đã ký trước đây với công ty cổ phần.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội