Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), khi mâu thuẫn, không thể tiếp tục chung sống thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu toà án giải quyết việc ly hôn. Việc có yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn hay không là do vợ, chồng quyết định.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật này, pháp luật nghiêm cấm hành vi cưỡng ép ly hôn cũng như cản trở người khác ly hôn. Hành vi cản trở ly hôn được hiểu là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.
Tùy theo hành vi và mức độ hậu quả đã gây ra, người có hành vi cản trở ly hôn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) quy định về tội Cản trở ly hôn tự nguyện: Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Giám đốc Công ty Luật Bảo An, Hà Nội