Theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2005 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác".
Điều luật này cũng quy định: "Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh". Như vậy, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, không ai được phép xâm phạm hình ảnh của cá nhân nếu không được người đó đồng ý.
Theo quy định tại Điều 611 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại, bao gồm:
1. Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, căn cứ Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện:
"2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:…
b) Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định...
d) Miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh...
Về truy cứu trách nhiệm hình sự
Một người phát tán những hình ảnh "nhạy cảm" của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tội danh với người có hành vi này được xác định như sau:
1. Nếu việc phát tán những hình ảnh "nhạy cảm" của người khác nhằm mục đích truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thì người có hành vi này có thể bị kết án về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy theo Điều 253 Bộ luật hình sự.
2. Phát tán những hình ảnh "nhạy cảm" của người khác nhằm mục đích làm nhục họ thì người có hành vi này có thể phạm vào tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật hình sự;
3. Nếu việc phát tán những hình ảnh "nhạy cảm" của người khác nhằm mục đích đe doạ chiếm đoạt tài sản của họ thì người có hành vi này có thể bị kết án về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 Bộ luật hình sự.
Trên đây là những trường hợp có thể xảy ra nếu bạn tung những bức ảnh "thân mật" của hai bạn lên mạng. Tuy nhiên, bạn chỉ gửi ảnh thân mật này cho chính bạn gái cũ mà chưa tung lên mạng thì hành vi của bạn chưa bị coi là vi phạm quy định của pháp luật.
Vì vậy, việc bạn cần làm bây giờ là không được đưa những bức ảnh nhạy cảm này lên mạng cho nhiều người biết để tránh trường hợp phải bồi thường thiệt hại, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm).
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội