Ngày 11/11, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên xử vụ án tham ô xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines khi sửa chữa ụ nổi 83M. Các bị cáo gồm: Trần Hải Sơn (54 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines); Trần Văn Quang (38 tuổi, nguyên Phó phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines); Trần Bá Hùng (35 tuổi, Phó bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai Vinashin) và Phạm Bá Giáp (42 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân tại TP Nha Trang, Khánh Hòa). 4 người bị truy tố tại khung hình phạt từ 20 năm tù đến chung thân hoặc tử hình.
Trước đó, TAND tỉnh Khánh Hòa đã đưa vụ án ra xét xử từ tháng 8, nhưng bị hoãn vì vắng mặt một số nhân chứng và người liên quan, trong đó có ông Dương Chí Dũng (bị phạt tử hình trong một vụ án khác) do không trích xuất từ trại tạm giam. Trong phiên xét xử hôm nay, ông Dũng có mặt với tư cách có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Ngày 15/3/2008, Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi 83M, thuê vận chuyển từ Nga về Việt Nam. Đến ngày 6/6/2008 làm thủ tục nhập khẩu thông quan tại Hải quan cảng Vân Phong (Khánh Hòa).
Được Vinalines ủy quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ông Sơn được cho là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao thông đồng với 3 bị cáo còn lại ký hợp đồng sửa chữa phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn có giá trị hơn 7,2 tỷ đồng; sửa chữa phần van, ống, máy và phần chống ăn mòn vỏ ụ nổi 83M giá 1,5 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, thông qua việc ký kết này, ông Sơn, Quang và Hùng đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công rồi nhờ Trần Bá Giáp cho mượn tư cách pháp nhân Công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng để tham ô hơn 3,6 tỷ đồng. Trong đó, Sơn hưởng 2,2 tỷ và khai có sử dụng nguồn tiền này mua quà biếu cho cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng vào các dịp lễ, tết.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Dũng thừa nhận khoản tiền này nhưng cho rằng do Sơn tự nguyện biếu chứ ông không ép buộc, hứa hẹn và hoàn toàn không biết nguồn gốc tiền.
Liên quan việc mua ụ nổi, tháng 5 vừa qua, TAND Tối cao đã tuyên phạt tử hình Dương Chí Dũng do cố ý làm trái khi duyệt mua và nhận hối lộ từ bên môi giới, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 366 tỷ đồng. Bị cáo Trần Hải Sơn trong vụ án này cũng bị tuyên phạt tổng cộng 22 năm tù.
Ụ nổi 83M được sản xuất tại Nhật từ năm 1965, dài hơn 180 m, rộng hơn 30 m được Vinalines mua về phục vụ công tác sửa chữa tàu biển. Năm 2012, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo tổng công ty mà đứng đầu là ông Dương Chí Dũng đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi No83M với giá lên tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu) bằng nguồn vốn vay và vốn tự có của Vinalines. Hiện, 83M nằm tại cảng Gò Dầu và từng trôi khỏi khu vực neo đậu, đụng hỏng trụ neo bến B3 nên đang được công ty chủ quản cảng Gò Dầu đề nghị di dời để đảm bảo an toàn hàng hải.
Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài 3 ngày.
Lan Hương