Nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8, quy định tăng mức phạt tiền với 194 hành vi vi phạm giao thông gồm 153 hành vi trên đường bộ và 41 hành vi trên đường sắt. Đáng chú ý, Nghị định bổ sung nội dung tăng cường sự giám sát của nhân dân với quy định người dân có thể ghi hình các trường hợp vi phạm và gửi đến cơ quan công an.
Nhà chức trách sẽ lấy đó làm căn cứ xác minh và xử lý người vi phạm. "Đây là biện pháp tích cực, không những tăng tính giám sát của người dân trên đường mà còn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông", lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội nói.
Vị này giải thích thêm, luật đã quy định mọi người dân đều có trách nhiệm giám sát, tố giác vi phạm. Trước thực trạng ý thức tham gia giao thông của nhiều người chưa tốt, việc lên án, tố giác vi phạm là rất cần thiết để góp phần thay đổi ý thức.
Thực tế, trước khi Nghị định 46 có hiệu lực, hình ảnh người dân cung cấp về vi phạm giao thông đã được cảnh sát tại nhiều địa phương coi là cơ sở xác minh và xử phạt.
Ngày 7/7, Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cho VnExpress biết qua xác minh hình ảnh trên mạng, phòng đã xử phạt tài xế chạy ngược chiều trên cầu Nhật Tân một triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong một tháng.
Người dân khi quay được hình ảnh vi phạm giao thông có thể phản ánh hoặc gửi cho các phòng cảnh sát tại các địa phương hoặc liên lạc với Cục Cảnh sát giao thông theo đường dây nóng 069.2342608 hoặc Email: tccs-c67@vnn.vn. Người cung cấp thông tin được giữ kín danh tính. Bên cạnh đó, báo chí cũng là một kênh thông tin hữu hiệu với cảnh sát trong việc xử lý những trường hợp vi phạm. Quá trình tiếp nhận thông tin, phòng các đội, phòng tuyên truyền của các phòng, Cục CSGT sẽ xác minh biển số xe và mời chủ phương tiện lên làm việc. Trên thực tế tại Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, 100% tài xế bị cảnh sát xác minh thông qua hình ảnh đều thừa nhận vi phạm và chấp nhận nộp phạt, viết cam kết không tái phạm. |
Bá Đô