Sáng nay, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết cơ quan này vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Công an Hà Nội đề nghị được tăng cường bảo vệ tại nơi làm việc.
Ba ngày trước, ông Điệp vừa tới cơ quan làm việc lúc đầu giờ sáng bỗng bị một số người dân tập trung tại cổng trụ sở "giữ lại", hỏi ông "có gọi được cho Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh Bạc Liêu ra Hà Nội hay không".
“Thực ra đoàn này chúng tôi đã có buổi đối thoại tại địa phương tuy nhiên một số bà con không đồng ý với cách giải quyết. Họ yêu cầu phải Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch tỉnh trả lời. Tôi nói không có thẩm quyền đề nghị các vị lãnh đạo này ra Hà Nội”, ông Điệp nói và cho hay đây là lúc ông bắt đầu bị đánh.
Ông Điệp kể một số người đã túm tóc, xô đẩy, chặn cửa không cho ông vào phòng làm việc, có người tung nắm đấm. Hai bảo vệ vào can thiệp nhưng đành "bó tay" trước nhóm người có hành vi quá khích này. Hôm sau, một số người lại tiếp tục "vây" ông, to tiếng.
Trưởng Ban tiếp công dân trung ương cho hay, phía công an đã vào cuộc song mới phạt hành chính 3 người trực tiếp tấn công ông với lỗi gây rối trật tự công cộng.
Cơ quan tiếp công dân đã có văn bản gửi chính quyền tỉnh Bạc Liêu đề nghị cử người có thẩm quyền phối hợp để giải quyết, đưa người dân về địa phương.
Công tác đã nhiều năm, ông Điệp bảo tuy có một số người chưa hài lòng kết quả trả lời nhưng chưa ai lăng mạ chửi bới và ông cũng chưa phải "chịu trận" như thế này bao giờ. 4 tháng trước, một nữ cán bộ đang làm nhiệm vụ ở Phòng Đăng ký đầu đã bị một phụ nữ bất ngờ rút dao giấu trong người chém gây thương tích 13%.
Trước trình trạng lộn xộn, tụ tập đông người ở cổng trụ sở, Ban tiếp công dân trung ương từng có nhiều văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết nhưng chưa có phúc đáp. “Chúng tôi mong có tổ công an thường trực để bảo vệ", ông Điệp nói.
Hiện, các cán bộ ở đây đang “đối phó” bằng cách hạn chế thấp nhất các tình huống dễ xảy ra bức xúc khi tiếp công dân, đội mũ bảo hiểm khi đi lại trong sân để tránh bị ném đá, không đi sớm về muộn...
Hoàng Việt