Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, việc bồi thường oan hiện nay vô cùng chậm trễ. "Khi phải bồi thường thì cớ gì trì hoãn, cò cưa ít nhiều, căn ke từng tí một với người ta, việc xin lỗi, bù đắp kéo dài hàng năm trời chưa xong...", ông nói.
Cho rằng bồi thường cho người bị oan “như cứu hỏa”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề xuất có một cơ quan chuyên trách việc bồi thường oan, có thể đặt tại Bộ Tư pháp. Ông Nguyễn Đình Quyền ủng hộ: Phải có một cơ quan khách quan, tập trung vì cấp nào bồi thường cũng đều lấy từ ngân sách nhà nước. Nên đặt ở Bộ Tư pháp, cơ quan không làm ra oan sai. Còn việc xin lỗi, sửa sai vẫn là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng thuận với đề xuất này.
Dẫn lại báo cáo của Bộ Công an nêu con số 226 người chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thái Học băn khoăn: Các anh lý giải nguyên nhân chủ yếu do đối tượng chết vì bệnh lý và tự sát. Vậy có nguyên nhân thứ yếu không?
Trung tướng Trần Trọng Lượng (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an) sau đó giải thích nguyên nhân chết chủ yếu do tự sát.
Không hài lòng, Phó trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng thẳng thắn: “Trả lời như anh Lượng tôi thấy chưa thỏa đáng. Những trường hợp tự sát, các anh phân loại thành treo cổ và tự tử, vậy treo cổ là tự mình treo hay bị người khác treo? Các điều kiện tạm giam, tạm giữ thế nào để số người treo cổ và tự tử lớn như vậy, số này còn nhiều hơn là bệnh lý”.
Ông Hùng phân tích thêm: “Trường hợp chết vì bệnh lý, có những bệnh hết sức bình thường, nếu không bị tạm giữ, tạm giam thì có chết không, chẳng hạn bị vẩy nến, suy nhược cơ thể? Cái này có phần trách nhiệm của cơ quan tạm giữ, tạm giam hay không?”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng nếu thực sự có việc chết treo cổ đương nhiên có trách nhiệm của quản lý trại giam.
Theo Trung tướng Lượng, Bộ Công an sẽ cho tìm hiểu bổ sung các vấn đề được nêu ra tại cuộc họp. Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cũng cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Công an để có báo cáo chính xác về các trường hợp tử vong tại nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Có lạm dụng tạm giam?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) hỏi: “Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chặt chẽ các điều kiện tạm giam nhưng thực tế tỷ lệ tạm giam rất cao, có những nơi chiếm 60-70%, cá biệt như Mỹ Tho tới 90%, tức khởi tố 10 bị can thì tạm giam 9. Việc áp dụng biện pháp tạm giam thời gian qua đã đúng quy định chưa?”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói thêm: “Thế giới hiện nay không có mức tạm giam nhiều như chúng ta. Lỗi của luật hay lỗi của người tiến hành tố tụng vì tạm giam chắc chắn là tạo thuận lợi hơn cho điều tra viên rồi”.
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết VKSND Tối cao, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ kiến nghị sửa Điều 88 (quy định về việc tạm giam). Theo quy định hiện hành, tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Như vậy, “mặt sàn” để áp dụng biện pháp ngăn chặn này chỉ là 2 năm tù, trong khi đó yếu tố “biểu hiện trốn” chỉ là định tính, không cụ thể...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề là tại sao trong một số vụ án như vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, gần đây là Hồ Duy Hải thì các bị cáo đều nhận tội ở giai đoạn đầu. “Huỳnh Văn Nén đã thực sự oan ở vụ giết bà Dương Thị Mỹ, có khả năng oan ở vụ án giết bà Lê Thị Bông. Tại sao họ không phạm tội mà lại nhận tội ngay ở giai đoạn điều tra. Khi bị bắt, họ ở điều kiện sức khỏe tâm thần bình thường, tại sao họ lại nhận tội? Huỳnh Văn Nén đến mức vào trại còn “lập công chuộc tội”, khai ra vụ giết bà Mỹ, đưa cả 9 người trong gia đình vợ vào vòng tố tụng”, bà Nga băn khoăn.
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong thừa nhận dù số án oan rất ít nhưng rơi vào những vụ đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận đặc biệt quan tâm. Ba vụ án bà Nga nêu thì vụ ông Nguyễn Thanh Chấn đã có kết quả rõ ràng, ông Chấn bị dùng nhục hình, chưa làm rõ được có hành vi bức cung hay không. Còn vụ Huỳnh Văn Nén và Hồ Duy Hải thì xảy ra lâu, nếu như có nghi vấn cho rằng dùng nhục hình thì bối cảnh chỉ có một bên là bị can, một bên là điều tra viên, để làm rõ rất khó khăn. “Nói là tin thì chúng tôi phải tin điều tra viên”, ông Phong nói.
Bà Lê Thị Nga sau đó đề nghị các cơ quan tố tụng nghiên cứu kỹ ba bản án ở ba vụ án nêu trên để tìm ra khe hở trong tố tụng là gì. Theo bà Nga, cả ba vụ án này đều là án truy xét; nghi phạm đều nhận tội ở từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn đầu và quá trình điều tra, truy tố, xét xử có nhiều sai phạm. Chẳng hạn quá trình khám nghiệm hiện trường có nhiều sai phạm, tang vật chứng cần thu không thu, cái thu thì không liên quan, chứng cứ ngoại phạm không được xem xét kỹ…
Theo Trung tướng Trần Trọng Lượng, từ 1/10/2011 đến 30/9/2014, cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã tiếp nhận 46 đơn có nội dung tố cáo điều tra viên và cán bộ điều tra có hành vi bức cung, dùng nhục hình, đã giải quyết được 40 đơn (37 đơn tố cáo sai, ba đơn tố cáo đúng), đang giải quyết 6 đơn.
Cục Điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố 26 vụ trong 40 bị can nguyên là cán bộ công an làm việc tại cơ quan điều tra các cấp về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Trong số này có 12 vụ với 26 bị can bị khởi tố, điều tra về tội Dùng nhục hình, không có trường hợp nào bị khởi tố về tội Bức cung…
Theo Pháp luật TP HCM