Ngày 1/8, Công an TP Cần Thơ thông tin ban đầu vụ triệt phá băng siêu trộm chuyên đột nhập hàng loạt tiệm vàng ở miền Tây.
Đến nay, có 7 nghi can bị bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Dân, Lê Văn Mười (em rể Dân), Nguyễn Văn Điệp, Lê Văn Dũng (anh của Mười), Phùng Thanh Tâm, Lý Văn Đợi và Nguyễn Minh Thắng. Những kẻ này được cho là trộm cắp chuyên nghiệp, có nhiều tiền án đến từ Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP HCM...
Theo cơ quan điều tra, vài năm trước, 4 tên ở TP HCM trong một lần chạy vỏ lãi (ghe nhỏ chạy tốc độ cao) trên sông thì bị chết máy nên nhờ người ở Vĩnh Long sửa giùm. Từ đó hai bên quen biết nhau. Biết các thợ sửa máy trên sông chỉ nhằm mục đích lân la, tiếp cận các khu vực chợ, theo dõi các tiệm vàng, nhóm TP HCM xin kết hợp cùng.
Hai nhóm thay phiên nhau đi khắp các tỉnh thành để ra tay, chủ yếu nhắm vào các tiệm vàng gần chợ, nằm vùng giáp ranh thị trấn, nơi thường xuyên lỏng lẻo về mặt an ninh và chủ quan của gia chủ. Chúng tiếp cận từ dưới sông để tránh lượng tuần tra trên bờ phát hiện.
Theo Ban chuyên án, thủ đoạn của băng trộm này rất tinh vi, chọn thời điểm gây án vào nửa đêm về sáng. Lúc đó, tiếng dụng cụ bẻ khoá sẽ hoà vào tiếng ồn ào của buổi họp chợ nên không ai để ý. Khi tiệm vàng lọt vào tầm ngắm, chúng theo dõi, chọn vị trí đột nhập, hướng nước chảy trên sông, phương án chống trả và đường tẩu thoát.
Đến ngày thực hiện, nhóm siêu trộm chạy vỏ lãi đậu cách hiện trường khoảng 5 km. Đến nửa đêm, sau khi dò xét tình hình, chúng chạy chậm một đoạn rồi tắt máy, thả vỏ lãi trôi theo nước đến gần tiệm vàng. Một tên ở lại ghe cách hiện trường vài trăm về hướng xuôi nước để dễ dàng tẩu thoát.
Những kẻ được phân công đột nhập đeo găng tay loại dài của phụ nữ, đội nón vải lưỡi trai và miếng dán che kín mặt, dùng kìm cộng lực cắt ổ khóa. Khi vào được bên trong, một tên đến quầy gom nữ trang bỏ vào bao, tên kia dùng đoạn gỗ đứng chặn tại cửa phòng chủ nhà để tấn công khi bị phát hiện.
"Đôi khi chúng còn xuống bếp bới cơm, xẻ dưa hấu ăn như đang ở nhà của mình. Sau khi no bụng, tên trộm mới mở tủ gom vàng một cách rất bình tĩnh", đại tá Trương Văn Nam - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Cần Thơ - cho biết.
Vàng trộm được, một tên được phân công mang về TP HCM dùng bình thổi vàng nấu lại và đem bán cho các tiệm vàng trên địa bàn quận 5. Số tiền bán được, cả nhóm chia đều.
Đầu năm 2015, sau khi tiệm vàng ở huyện Phong Điền bị trộm đột nhập, lấy đi tài sản trị giá 1,5 tỷ đồng, Công an Cần Thơ đã khởi tố, lập chuyên án truy xét. Sau đó, liên tiếp nhiều tiệm vàng ở miền Tây bị trộm vét sạch với thủ đoạn tương tự, Tổng Cục cảnh sát thành lập Ban chỉ đạo chuyên án. Công an Cần Thơ được giao phối hợp với các địa phương truy bắt băng trộm này.
Theo đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an Cần Thơ, băng siêu trộm này rất tinh vi, không để lại nhiều dấu vết, giấu mặt, liên tục thay đổi địa bàn hoạt động và ẩn náo nên gây nhiều khó khăn cho trinh sát. "Chúng tôi phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, thậm chí huy động cả đặc công để nằm vùng trên các tuyến kênh rạch khi đêm xuống, nhằm theo dõi tung tích của băng trộm này", đại tá Hạnh cho biết.
Vài ngày trước, sau khi sàng lọc được nhóm trộm quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, Ban chuyên án quyết định phải bắt qua tang nên mật phục đeo bám suốt nhiều đêm liền. Rạng sáng 30/7, sau khi cắt khóa 4 lớp cửa để vào bên trong tiệm vàng ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, Đợi và Thắng đang gom vàng thì bị cảnh sát ập vào khống chế. Từ lời khai của hai kẻ này, những tên còn lại lần lượt bị bắt giữ.
Cơ quan điều tra xác định, đến nay, có khoảng 20 tiệm vàng ở miền Tây bị trộm đột nhập. Trong đó, băng siêu trộm này khai nhận đã thực hiện trót lọt hơn 15 vụ, lấy đi số lượng vàng lớn. Cảnh sát đang tiếp tục củng cố hồ sơ để bắt các đồng phạm liên quan.
>> Xem video: Camera ghi hình siêu trộm đột nhập tiệm vàng ở miền Tây
Cửu Long