Thời Lê, cả nước được chia thành 12 đạo thừa tuyên (tương đương cấp tỉnh hiện nay) và kinh đô (gọi là phủ Trung đô). Ở cấp đạo có Đô binh sứ ty (Đô ty - coi việc quân sự), Thừa chính sứ ty (Thừa ty - coi việc hành chính, dân sự) và Hiến sát sứ ty (Hiến ty - coi việc kiểm tra, giám sát và tư pháp). Dưới cấp đạo có phủ, huyện, xã.
Thời Lê Chân Tông, năm 1645, những việc kiện về hộ tịch, hôn nhân, ruộng đất, trước hết phải qua xã trưởng, rồi đến quan huyện. Huyện không xử xong thì kêu lên quan phủ. Nếu cho rằng quan phủ xét đoán không công bằng, người dân kêu lên Thừa ty. Nếu thấy Thừa ty chưa được công bằng thì kêu lên Hiến ty.
Hiến ty ở đạo xét xử không xong, vụ việc mới được đưa lên Cai đạo ngự sử (cơ quan giám sát hoạt động của các đạo). Nghi ngờ Cai đạo ngự sử xét xử vẫn chưa chuẩn thì mới kêu lên Ngự sử đài - cơ quan giám sát, kiểm soát hoạt động của toàn bộ hệ thống triều đình và các địa phương. Ngự sử đài có trách nhiệm xem xét lại kỹ lưỡng, phân biệt gian ngay từng bản án, tra xét thực trạng hối lộ của các viên quan...
Quy định thời Lê yêu cầu, các vụ án liên quan đến nhân mạng trước hết phải báo cáo với chánh tổng và xã trưởng đến khám nghiệm qua, rồi trình lên quan phủ, quan huyện. Quan phủ huyện theo đồ án khám nghiệm, trình lên hai ty Thừa, Hiến ở đạo. Thừa ty là cơ quan xét xử, có vai trò như tòa án ngày nay, còn Hiến ty thẩm định lại bản án để tuân hành.
Trong các vụ án này, nếu khổ chủ thấy hai ty Thừa, Hiến ở lộ xử chưa hợp lệ thì được phép khải lên bộ Hình để xem xét lại.
Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của tác giả Phan Huy Chú, kỳ hạn xét xử về các loại kiện tụng triều Lê như sau: Kiện về hộ tịch, hôn nhân có thời hạn một tháng; kiện về ruộng đất, trộm cướp, thời hạn 3 tháng; kiện mưu sát, thời hạn là 4 tháng. Các kỳ hạn đều tính bắt đầu từ ngày bắt được nghi phạm.
Đến đời Lê Hy Tông, năm 1676, quy định về thời hạn xử án liên quan đến nhân mạng được mở rộng, cho phép xét xử trong vòng một năm. Đến năm 1687, thời hạn rút về 4 tháng như cũ.
Về việc kiểm tra, giám sát quá trình xử án, thời Lê Thần Tông (năm 1659), triều đình quy định: Nếu thấy quan huyện làm không đúng, quan phủ có quyền điều tra xem xét, trình lên Thừa ty để theo đó khải lên đến Chúa. Quan phủ mà làm không đúng thì cho phép Thừa ty khải lên. Thừa ty sai sót thì cho phép Hiến ty khải lên. Hiến ty không đúng thì cho Cai đạo khải lên. Cai đạo không đúng thì cho Ngự sử đài khải lên. Ngự sử đài không đúng thì đưa ra công đồng bàn xét. Những người bị xét khải thì tùy nặng nhẹ mà xử, nhẹ thì xử phạt, nặng thì bị biếm bãi (cách chức).
Quan xử sai bị phạt thế nào?
Đời Lê Huyền Tông (năm 1665), triều đình ban hành quy định: Án lớn mà xử không đúng thì vị quan đó bị xử biếm một tư (giảm một cấp trong hệ thống cấp bậc của quan lại), cho nộp tiền chuộc theo mức độ từ 15 đến 100 quan. Án nhỏ mà xử không đúng thì xử phạt bằng tiền, mức độ từ 5 quan tiền với quan cấp xã, 15 quan tiền với quan cấp đạo và 20 quan tiền với quan Ngự sử.
Triều Lê cũng yêu cầu hệ thống quan lại mỗi năm phải thống kê đầy đủ số lượng vụ án, số vụ đã được xét xử, từ cấp xã trở lên. Các đạo phải kê khai đủ bao nhiêu án đã xử, trong đó bao nhiêu án xử phạt, bao nhiêu án chưa xử xong, kèm theo nguyên nhân. Các bản thống kê phải được nộp lên Ngự sử đài vào hạ tuần tháng 11 hằng năm.
Đời Lê Dụ Tông (năm 1717) quy định soát vào hạ tuần tháng 10, quan phủ soát lại những án quan huyện đã xử. Thượng tuần tháng 11, Thừa ty soát lại án của phủ, huyện đã xử. Trung tuần tháng 11, Hiến ty soát lại những án của các nha môn Thừa ty và Trấn thủ Lưu thủ. Hạ tuần tháng 11, Cai đạo soát lại những án xử của Hiến ty, và Ngự sử đài cũng soát lại các án của Cai đạo từng xứ. Thời hạn soát lại các án là một tuần (tuần thời xưa là 10 ngày). Thượng tuần tháng 12, Ngự sử đài đem số án nộp lên cho Chúa và triều đình.
Năm 1718, vua Lê Dụ Tông từng ra dụ cho các quan rằng: "Gốc của việc chính trị quý nhất là bớt kiện tụng... Nay cần bàn định để cốt cho đổi thói kiện tụng, gây đạo liêm sỉ để tỏ rõ chính sách bình trị".
Lê Tiên Long