Trời tháng 6 nắng gay gắt, ông Chung chở vợ hơn 50km từ huyện Chương Mỹ đến TAND Hà Nội dự phiên ly hôn của con trai và con dâu. Con ông đang lao động ở Đài Loan, ủy quyền cho bố tại phiên tòa này.
Ông Chung ôm tập hồ sơ trong lòng, ngồi thừ người nghe con dâu ăn mặc trẻ trung kể lỗi của chồng trước HĐXX. Chị Hạnh trình bày, kết hôn với anh Đức gần 4 năm, đến năm 2014 phát hiện chồng ngoại tình.
Mọi chuyện chưa lắng xuống, đến năm 2015, anh Đức muốn đi xuất khẩu lao động vào đúng lúc chị mang thai con đầu lòng. Chị không đồng ý song anh bỏ ngoài tai vẫn quyết đi và được bố mẹ chồng ủng hộ. Chị về nhà bố mẹ đẻ ở huyện Ba Vì sống.
Hai vợ chồng dần mất niềm tin ở nhau. Từ Đài Loan, anh Đức thường gọi điện về chửi mắng vợ, doạ ly hôn. Chị thấy tình cảm đã hết nên chủ động đâm đơn muốn giải thoát cuộc hôn nhân này.
Đến phần trình bày của mình, ông Chung nói một ngày cuối năm 2016, sau khi con trai xuất khẩu lao động hơn một năm, ông bàng hoàng khi nhận được triệu tập của tòa án về việc con dâu đơn phương ly hôn.
Vợ chồng con trai sống cùng với gia đình ông. Dù trong 4 năm, ông thấy các con có mâu thuẫn nhưng chưa từng nghĩ tới mức như thế này. Con trai ông tính ham chơi, kết hôn một thời gian, anh vay mượn tiền để đi xuất khẩu lao động, nói muốn tu chí làm ăn. Con trai sang Đài Loan được hai tháng có gọi điện về xin gia đình cho vợ về quê ngoại sống. Vợ chồng ông đành đồng ý.
Ông trình tòa lá đơn của anh Đức gửi về từ Đài Loan thể hiện nội dung vợ chồng sống hạnh phúc, hòa thuận cùng bố mẹ, dù đôi lúc không có tiếng nói chung. Hạnh phúc kéo dài cho tới khi anh đi xuất khẩu lao động thì xảy ra mâu thuẫn. Vợ chồng anh ly thân từ giữa năm 2015. Sau nhiều lá đơn, anh không còn xin hoãn phiên xử chờ tới khi mình về mà đồng ý xử vắng mặt với mong muốn được quyền nuôi con.
Tiếp lời ông Chung, chị Hạnh khẳng định không còn tình cảm gì nên dù chồng có về nước cũng không cứu vãn được hôn nhân. Chị tố anh Đức vô tình, không gửi tiền hay hỏi han vợ con trong những tháng ngày xa cách. Chị nói có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho con nên không đồng ý để giao con.
Ông Chung đứng cạnh con dâu, thần người một lúc khi nghe tòa hỏi: “Là cha mẹ trong gia đình, ông thấy cuộc hôn nhân của các con có hàn gắn được hay không?”. Ông đáp: Đây là việc của các cháu. Cha mẹ ai chẳng mong muốn các con hạnh phúc nhưng quyền quyết định không thuộc về mình.
HĐXX phân tích, con dưới 36 tháng tuổi nên theo quy định pháp luật phải giao cho mẹ nuôi dưỡng. Hơn nữa chị Hạnh có thu nhập, chỗ ở ổn định, con lại ở với chị từ bé, không nên xáo trộn cuộc sống của trẻ. Ngoài ra, anh Đức chỉ nói không muốn ly hôn vì không muốn con thiếu thốn nhưng không đưa ra giải pháp gì để hàn gắn hôn nhân. “Mà đợi không biết bao giờ anh về”, chủ tọa phiên tòa nói.
Giờ nghị án, vợ chồng ông cùng con dâu mỗi người một hàng ghế. Vợ ông bức xúc kể về nỗi vất vả của con trai phải xa xứ tìm kế sinh nhai mà con dâu không thông cảm. Xen lẫn những kể lể của vợ, ông Chung cũng góp câu chuyện...
Khi tòa tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị Hạnh, giao con cho người mẹ nuôi, nhiều người có mặt ở phòng xử khuyên ông bà bình tâm bởi biết đâu ly hôn sẽ mở ra cánh cửa mới với các con. Nếu còn tình cảm, khi anh Đức về nước họ có thể tái hợp. Giờ đây chuyện đó là bình thường.
*Tên nhân vật đã thay đổi
Bảo Hà