Viện Pháp y Quốc gia đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020 nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt trầm trọng bác sĩ pháp y. Theo đề xuất, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II đăng ký hoặc về làm việc lâu dài trong chuyên ngành pháp y sẽ được trợ cấp ưu đãi ban đầu với số tiền bằng 50 lần mức lương tối thiểu; với thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I là 40 lần. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi sẽ được hỗ trợ ngay 20 tháng lương tối thiểu nếu đăng ký làm việc và cam kết làm việc lâu dài.
Để tạo nguồn nhân lực đầu vào phong phú, đề án cho rằng song hành với việc tuyển bác sĩ, trong 5 năm tới các đơn vị có thể tuyển y sĩ vào làm việc, sau đó cử đi học. Viên chức đăng ký theo học chuyên ngành pháp y liên thông, hệ đại học, sau đại học có cam kết phục vụ trong ngành pháp y lâu dài sẽ được đơn vị nơi đang công tác thanh toán toàn bộ học phí. Học sinh phổ thông theo học hệ dài hạn chính quy chuyên ngành pháp y được đề xuất miễn hoàn toàn học phí... Mục tiêu của đề án là đào tạo được 7 tiến sĩ, 10 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 80 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I cùng hơn 300 người được đào tạo đại học hệ liên thông...
Ngày 23/1, chia sẻ với VnExpress, Viện phó Pháp y Quốc gia Ngô Hường Dũng cho hay, việc thiếu giám định viên thường trực trong ngành pháp y từ nhiều năm, nhưng nay đến mức báo động. Theo ông, nguyên nhân chính bởi quan niệm xã hội quá nặng nề với nghề này. "Xã hội nhìn nhận nghề giám định chỉ có duy nhất việc khai quật mồ mả và mổ xác chết mà không hiểu hết đóng góp sâu rộng của nó với cuộc sống", ông Dũng nói và buồn rầu cho hay nhiều bậc phụ huynh không muốn con sau nhiều năm học ở trường y danh giá lại ra làm công việc này.
"Viện có 20 chỉ tiêu biên chế nhưng cả chục năm nay không tuyển được ai", Viện phó Dũng cho hay. Ông kể, cách đây vài năm Viện tuyển được một nam giám định viên nên vui mừng mở tiệc chào đón. Nhưng hôm sau, anh này đã "một đi không trở lại".
Giáo sư Trần Văn Liễu, Chủ tịch Hiệp hội Pháp y Trung ương, chia sẻ giám định pháp y là công việc rất đặc biệt, chịu nhiều áp lực và yêu cầu công việc cao. “Trong ngành y chẳng có chuyên khoa nào như chuyên khoa này, anh giám định không tốt khiến họ bị đi tù oan thì anh cũng liên đới". Hiệp hội hiện có trên 500 thành viên, trong đó số cán bộ trực tiếp khám nghiệm tử thi chỉ chiếm "một phần rất nhỏ".
Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Toàn, nguyên Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội chia sẻ: “Cái thời tôi làm vừa dụ dỗ, vừa dọa dẫm đủ kiểu mới được mấy giám định viên về làm việc".
Ông Toàn cho rằng cần phải đưa bộ môn pháp y vào giảng dạy, học tập bắt buộc trong hệ thống các trường y. Nhà nước cũng cần có chính sách đãi ngộ, ưu tiên đặc biệt cho những người làm nghề này mới thu hút được nhân lực.
Bảo Hà