Nguyễn Mại là người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm 37 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1691), ra làm quan thời vua Lê Hy Tông. Lúc đầu, ông làm quan ở Bộ Lễ sau thăng chức Tả thị lang được cử đi sứ nhà Minh rồi làm Đốc trấn Cao Bằng, sau về Đốc trấn Sơn Tây đến cuối đời.
Giới quan chức cũng như người dân đều ca ngợi ông là vị quan thanh liêm, chính trực xét xử như “Bao thanh thiên”.
Vả mặt người mất trộm truy ra kẻ cắp
Lúc làm quan ở Sơn Tây, Nguyễn Mại thường đi xuống các làng xem xét cuộc sống của họ. Trong lần vi hành, đi bộ ngang chợ Bảo Khám, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, ông thấy một người đàn bà luôn miệng nói tục, “bới” cả tổ tông ba đời nhà kẻ trộm ra chửi. Quan hỏi người dân mới biết bà này bị mất trộm một chiếc màn.
Ông gọi người đàn bà lại hỏi chuyện, rồi đột nhiên sai người trói bà, mắng về tội chửi chua ngoa. Sau đó, đàn ông, đàn bà trong xóm được gọi đến đủ. Nguyễn Mại sai từng người vả vào mặt người đàn bà mất trộm với lý do "đã chửi ngoa". Dân làng ai nấy đều thương người mất trộm nên chỉ tát nhẹ. Chỉ riêng một phụ nữ xuống tay rất mạnh.
Chị ta vừa tát xong, quan Nguyễn Mại liền cho giữ lại tra xét, bảo rằng: “Ngươi chính là kẻ ăn trộm nên mới đánh người ta đau như thế”. Người phụ nữ này vội quỳ xuống nhận tội. Sử sách ghi lại, chính từ vụ án này mà người dân Sơn Tây coi ông như “Bao thanh thiên”. Sau khi ông mất họ còn làm cả thơ văn ca ngợi công đức, cách xử án như thần của vị quan thanh liêm.
Vụ án thóc nảy mầm trong tay
Vụ án thứ hai do ông Nguyễn Mại phân giải mà sử sách còn lưu truyền đến ngày nay là "dọa thóc trong tay nảy mầm tìm ra người ăn trộm".
Một lần, Nguyễn Mại đi ngang qua ngôi chùa ở huyện Sơn Vi, nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, một nhóm ni cô báo có người bị mất chiếc áo lụa quý. Thấy vậy, quan sai lập đàn cúng. Các ni cô được giao mỗi người nắm một ít thóc, tay còn lại cầm tay kia của bạn rồi cùng chạy quanh đàn. Lúc các ni cô chuẩn bị chạy, ông nói “hễ là kẻ gian thóc trong tay lập tức khắc nảy mầm”. Chỉ một lúc quan sát chạy đàn, Nguyễn Mại thấy một ni cô thường lén mở tay ra nhìn, gương mặt bồn chồn lo lắng. Lúc đó, ông cho dừng, gọi nữ tu đó ra tra hỏi và cô nhận tội.
Bắt trai làng vét bùn tìm ra người trộm chuối
Vụ án thứ ba ông phân xử ở ngay làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Khi một người đàn bà chửi bới ầm ĩ vì mất trộm buồng chuối sắp đến ngày được ăn, ông tập trung hết trai làng, ra lệnh xuống ao làng vét bùn. Lúc cả nhóm nghỉ giải lao, ông lại sai phát cho mỗi người một miếng trầu để ăn. Đích thân ông xem phát trầu cho từng người và bàn tay của một thanh niên chìa ra có vết nhựa thâm.
Ông lệnh bắt ngay anh ta, nói rằng đây là vết tích của nhựa chuối, sau khi ngâm bùn mới hiện rõ trên tay, khó rửa sạch ngay. Người thanh niên nghe vậy đã không thể chối tội.
Chia đôi mảnh lụa để tìm kẻ gian
Một vụ trộm cắp khác được Nguyễn Mại phân xử cũng nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Hôm đó, ông vi hành ra chợ Sơn Tây liền gặp một nhóm phụ nữ giằng co, cãi vã om sòm. Đến gần, ông thấy hai người đàn bà đang giằng nhau một tấm lụa. Cả hai đều gào lên nhận là chủ nhân, nói người kia là phường ăn cắp... Nguyễn Mại ngăn hai người này lại rồi xưng danh và sai cắt tấm vải làm đôi chia cho mỗi người một mảnh.
Lụa chia xong, ông quan sát thấy một trong hai phụ nữ vui vẻ ôm lụa bỏ đi nhanh, người còn lại đứng nguyên chỗ cũ ôm lụa nước mắt lưng tròng. Ngay lập tức, ông sai người đuổi theo bắt người đàn bà, trả mảnh lụa đã chia cho người còn lại. Người đàn bà bị bắt sau nửa ngày giam đã thú nhận mình là kẻ trộm.
Bảo Hà tổng hợp