- Theo ông, căn cứ vào đâu HĐTP TAND Tối cao ra nghị quyết trên?
- Việc áp dụng Bộ luật Hình sự (BLHS) của các toà án trong thời gian qua không thống nhất, nơi xử quá nặng, nơi quá nhẹ, hạn chế tính nghiêm minh của pháp luật. HĐTP ra Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3 không chỉ nhằm thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình mà pháp luật đã quy định, mà còn đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Khi họp bàn để ra nghị quyết trên đã có sự chứng kiến và tham gia của Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Tư pháp. Do tầm quan trọng liên quan đến sinh mạng con người nên trước khi ban hành nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến.
- Nhưng có ý kiến cho rằng Nghị quyết 01 đã giảm nhẹ hình phạt đối với người phạm tội, vô tình khuyến khích tội phạm?
- Nếu chỉ máy móc so sánh nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết 01 với các hướng dẫn trước đây thì đúng là theo hướng giảm nhẹ hình phạt. Nhưng căn cứ vào các quy định của BLHS năm 1999 thì không hẳn là như vậy. Ví dụ: Theo quy định tại khoản 4, Điều 185đ BLHS 1985, người phạm tội mua bán từ 100 g heroin trở lên thì bị phạt tù chung thân hoặc tử hình. Nay khoản 4, Điều 194 BLHS năm 1999 quy định người phạm tội mua bán từ 100 g heroin trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy hình phạt quy định tại khoản 4, Điều 194 nhẹ hơn hình phạt quy định tại khoản 4, Điều 185đ. Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều trường hợp toà án không thể áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội mua bán từ 500 g heroin, cá biệt có trường hợp người phạm tội mua bán đến 2 kg heroin cũng không bị phạt tử hình. Nay cũng với lượng heroin như vậy (từ 100 g trở lên), nhưng lại có ba mức hình phạt, vậy trường hợp nào áp dụng hình phạt 20 năm tù, trường hợp nào tù chung thân và trường hợp nào là tử hình, cần phải cụ thể hoá để các toà án áp dụng thống nhất. Nghị quyết số 01 quy định: Mua bán từ 100 g đến dưới 300 g heroin người phạm tội bị phạt tù 20 năm, từ 300 g đến dưới 600 g bị phạt tù chung thân, từ 600 g trở lên bị phạt tử hình. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng thì người phạm tội sẽ được áp dụng hình phạt nhẹ hơn mức quy định trên. Ngược lại, người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ thì hình phạt có thể cao hơn mức quy định trên.
Nếu trước đây, BLHS năm 1985 đặt nhiệm vụ chống tội phạm lên hàng đầu, thì nay, BLHS năm 1999 lại đặt nhiệm vụ phòng tội phạm lên hàng đầu. Nội dung của Nghị quyết 01 cũng phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo đó. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc quy định hay áp dụng hình phạt quá nặng đối với người phạm tội đã không làm cho tội phạm giảm mà ngược lại. Trong những năm qua, số người phạm tội về ma tuý bị toà án xử phạt tử hình ngày một tăng, nhưng tội phạm về ma tuý cũng không giảm. Vì vậy, không thể cho rằng áp dụng hình phạt nặng sẽ làm cho tội phạm giảm, mà phải đi tìm nguyên nhân khác, trong đó những biện pháp phòng ngừa phải đặt lên hàng đầu.
- Vì sao HĐTP chỉ hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 mà không hướng dẫn toàn bộ BLHS năm 1999?
- BLHS có tới 344 điều, mỗi điều có nhiều khoản, mỗi khoản lại có nhiều điểm. Với nội dung khổng lồ như vậy, không thể một sớm một chiều hướng dẫn hết được. Hơn nữa, nhiều quy định của BLHS không thuộc thẩm quyền hướng dẫn của HĐTP TAND Tối cao, mà thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc của liên ngành (tòa án, kiểm sát, tư pháp, công an). Việc HĐTP mới hướng dẫn một số quy định tại các điều này chủ yếu đáp ứng yêu cầu cấp bách đối với những trường hợp phạm tội có mức hình phạt tối đa là tử hình, có liên quan đến các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội sản xuất trái phép chất ma tuý; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý; tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ. Các tội phạm này thường xảy ra và việc quyết định hình phạt của các toà án trong thời gian qua không nhất quán.
- Nghị quyết 01 có hiệu lực đối với các cơ quan tố tụng khác như cơ quan điều tra, viện kiểm sát không?
- Phải nói ngay rằng HĐTP chỉ hướng dẫn toà án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật nên nghị quyết của HĐTP cũng chỉ có hiệu lực đối với các toà án. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng khác như cơ quan điều tra, VKS vẫn có thể tham khảo, nhất là đối với kiểm sát viên tham gia phiên toà khi luận tội, đề nghị HĐXX quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Do chỉ hướng dẫn toà án quyết định hình phạt, nên Nghị quyết 01 không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, truy tố của cơ quan điều tra và VKS.
(Theo Lao Động, 3/7)