Quốc hội dành trọn ngày 26/10 để thảo luận tại hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015. Trong 49 đại biểu đăng đàn, nhiều vị đã giơ biển xin tranh luận thay vì đăng ký phát biểu bằng bấm nút như thường lệ.
Trước việc ý kiến thảo luận có nhiều quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Ban soạn thảo phải tổng hợp đầy đủ sau đó xin ý kiến đại biểu bằng văn bản, vì "phải nhất quán mới tập trung thảo luận được".
Trưởng ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, trong quá trình thảo luận để thông qua Bộ luật vào năm 2015, những chính sách lớn, quan trọng đã được các cơ quan chức năng cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng. Do đó, sửa đổi lần này nên tập trung vào nhưng sai sót do lỗi kỹ thuật, những điểm bất hợp lý...
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc thảo luận một ngày ở hội trường là chưa đủ, phải có những buổi thảo luận chuyên sâu với sự tham gia của chuyên gia các lĩnh vực tòa án, luật sư…
Chốt phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói đây là Bộ luật lớn, quan trọng, là công cụ phòng chống tội phạm của nhà nước, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên cần phải làm kỹ, thận trọng.
“Nhiều đại biểu đề nghị xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017), cũng có ý cho rằng cứ làm, khi nào tốt thì thông qua. Nhưng chúng ta phải có mốc thời gian, không thể kéo dài mãi vì đây là sửa đổi, bổ sung một số điều sai sót và còn liên quan đến các luật khác. Do đó phải thông qua tại kỳ họp thứ 3”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/7, tuy nhiên trước việc các cá nhân, tổ chức đã phát hiện và phản ánh có nhiều sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng nên Quốc hội cho lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi.
Chính phủ trình phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này liên quan đến 141 điều trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung.
Võ Hải