Để chuẩn bị cho phiên xử lưu động Nguyễn Hải Dương và đồng phạm thảm sát 6 người nhà đại gia ngành gỗ ở Bình Phước, hàng trăm cảnh sát được huy động cho kế hoạch đảm bảo an ninh, rà bom mìn tại khu đất rộng 4 ha - dự kiến có khoảng 4.000 người trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Từ rạng sáng 17/12 (hôm diễn ra phiên xử), ít nhất 300 cảnh sát cùng chó nghiệp vụ thuộc nhiều lực lượng chia thành nhiều chốt canh gác. Sân tòa chính được ngăn cách bởi lớp hàng rào cứng (chống bạo động) cách hội đồng xét xử chừng 60 m.
Trước đó, trong lần xử lưu động Đặng Văn Hùng, hung thủ gây thảm án giết 4 người ở tỉnh Yên Bái, nhiều người đã đổ về Trung tâm văn hóa huyện Văn Yên (Yên Bái) dù phải đi xa tới 50 km... Họ nói đã chờ nhiều ngày để tận mắt thấy "thủ phạm trông ra sao mà lại ác thế". Hàng trăm dãy ngồi bậc thang của khu vực sân khấu ngoài trời có sức chứa tới 3.000-4.000 người đã không đủ chỗ. Rất nhiều người phải ngồi tràn ra tới cổng, nhiều thanh niên trèo lên tường ngồi nghe thông tin phiên xử được truyền trực tiếp qua loa.
Lực lượng an ninh chia thành nhiều lớp được bố trí thành "hàng rào" quanh khu vực sân khấu người dân ngồi. “Nếu tính cả lực lượng an ninh tư pháp phải đến gần 100 người được huy động bảo vệ phiên xử”, ông Lê Đức Thọ (Phó trưởng Công an huyện Văn Yên) cho hay.
Từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, công an huyện đã họp bàn kế hoạch đảm bảo an ninh, lên phương án ước chừng số lượng người đến theo dõi... Tại phiên xử Đặng Văn Hùng, ông Thọ nhận thấy ở địa phương chưa có phiên tòa nào đông người tới theo dõi như vậy.
"Họ đến có lẽ phần đông vì tò mò nhưng qua việc xét xử lưu động thế này tôi nghĩ có hiệu ứng tích cực trong răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong cộng đồng", ông Thọ nói.
Luật sư Phạm Thanh Bình (Hà Nội) cũng cho rằng trong nhiều vụ án việc mở phiên tòa lưu động là cần thiết vì tính công khai trong xét xử. Luật sư cũng tin tưởng ở hiệu quả giáo dục, răn đe đối với người dân qua các phiên xử này, bởi nhận thấy "xét xử công khai có nhiều người chứng kiến chắc chắn tốt hơn là xét xử trong phòng chỉ có 4 bức tường”.
Một cựu thẩm phán cho biết TAND Tối cao đang có xu hướng đẩy mạnh việc xử lưu động. Chính quyền địa phương cũng đồng tình với việc tuyên truyền pháp luật bằng các phiên tòa lưu động, nhất là với những tội danh xảy ra nhiều. Hơn thế, đây còn là "kênh tuyên truyền pháp luật" để hoạt động tư pháp được gần dân, nhằm tạo niềm tin về an ninh trật tự.
Tuy nhiên ở góc nhìn khác, ông Phạm Công Hùng (cựu thẩm phán TAND Tối cao tại TP HCM) cho rằng với việc phát triển các kênh thông tin và mạng xã hội như hiện nay việc tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên xử lưu động không còn hiệu quả và phù hợp. "Người dân đến theo dõi phiên xử lưu động chỉ vì tính hiếu kỳ là chính", ông Hùng nhận xét.
Cựu thẩm phán này cho rằng, việc mở phiên tòa lưu động tạo rất nhiều áp lực cho cả bị cáo lẫn HĐXX, VKS và công an. Đối với bị cáo, ngoài việc phải nhận bản án tù, họ còn phải chịu bản án đến từ công luận. "Người xưa có câu, trăm năm bia đá đã mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Người phạm tội phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Việc đưa ra xử lưu động có thể ảnh hưởng đến cả cha mẹ, đời con, đời cháu... có khi là cả dòng họ. Như vậy, tính nhân văn không được đảm bảo", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, nếu ở tòa, HĐXX có các điều kiện đảm bảo cho tính uy nghiêm của người điều khiển phiên tòa thì việc xử lưu động cơ sở vật chất khá tạm bợ. Khi những người dự khán đồng ý với quan điểm, xét hỏi của tòa thì vỗ tay còn không thì phản đối la ó… Điều đó ảnh hưởng lớn đến sự tôn nghiêm và an ninh của phiên xử.
Với quan điểm "nên bỏ việc xử lưu động trong hoạt động tố tụng", luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 cũng ghi nhận quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Việc tôn trọng danh dự, nhân phẩm của con người được ưu tiên hàng đầu, dù đang là người bị buộc tội. Mục đích của hình phạt bao gồm cả trừng trị, răn đe và cả cải tạo giáo dục người phạm tội giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, việc đưa các vụ án ra xử lưu động sẽ khiến cho việc tái hòa nhập cộng đồng của người từng lầm lỡ gặp nhiều khó khăn bởi sự kỳ thị của xã hội.
Theo luật sư Trạch, nhìn từ góc độ lợi ích chung, xét xử lưu động là biện pháp để trực tiếp truyền tải các quy định của pháp luật hình sự đến với nhân dân và răn đe giáo dục chung. Tuy nhiên, ông nhận thấy xét xử lưu động lại làm khuấy thêm nỗi đau, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa gia đình, họ hàng bị cáo và người bị hại, làm mất niềm tin của người dân về tính tôn nghiêm của công đường, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật không được phát huy.
"Có vụ án tới hàng nghìn người tham dự, trong đó có cả trẻ em. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của những em bé này khi lớn lên, nếu xét xử tại tòa án chỉ người đủ 18 tuổi mới được vào dự", ông nêu quan điểm.
Trao đổi với VnExpress, một chuyên gia pháp lý cho hay xét xử lưu động (thường chỉ áp dụng đối với vụ án hình sự) là hoạt động tố tụng khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, đến nay Bộ luật tố tụng hình sự cũng như các văn bản dưới luật chưa quy định về vấn đề này. Việc chưa luật hóa chế định này có thể được coi là một hạn chế trong hoạt động xây dựng pháp luật về tố tụng hình sự.
Thực tiễn cho thấy, việc đưa một vụ án ra xét xử lưu động do chính tòa án xét xử vụ án đó quyết định và thường áp dụng đối với án liên quan an ninh trật tự, an toàn xã hội mà gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, cướp tài sản, trộm cắp, đánh bạc, ma túy… Để đạt được mục tiêu của việc xét xử lưu động, mức án dành cho các bị cáo thường nghiêm khắc hơn.
Hải Duyên – Bảo Hà