Góp ý tại phiên thảo luận ngày 15/6 cho Dự án Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, toàn bộ đời sống dân sự của đất nước phụ thuộc vào tố tụng dân sự. Tuy nhiên các thời hạn xét xử của Luật hiện hành khiến các khâu thường bị đình chỉ vì nhiều lý do khác nhau. Xử sơ thẩm ra án văn, gửi án văn, kháng cáo, xử phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tạo ra rất nhiều dư địa cho sự trì hoãn và tùy tiện về thời gian, không có chế tài cho sự chậm trễ này. “Thẩm phán đi học nghị quyết, họp công đoàn, học chính trị cao cấp, nghỉ phép thì các đương sự đều lãnh đủ”, đại biểu Nghĩa dẫn chứng.
Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm. Tố dụng dân sự càng kéo dài thì toàn bộ đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, lao động, nói chung là sự phát triển của đất nước bị chậm lại theo. Tố tụng là một nỗi đoạn trường, thi hành án lại là một đoạn trường khác. Luật sư Nghĩa cho rằng Dự thảo Luật đã giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn nêu trên. “Không thể dựa vào tình trạng quá tải của tòa án TP HCM và tòa án Hà Nội mà quy định các thời hạn. Các thời hạn như dự thảo là quá dài. Tôi đề nghị rút ngắn tất cả thời hạn dành cho tòa án và các khâu của quá trình tố tụng xuống bằng một nửa như dự thảo”, Luật sư Nghĩa kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm đại biểu Nghĩa, ông Trần Du Lịch, cho biết thực tế thủ tục tố tụng dân sự để bảo vệ quyền lợi hợp pháp người dân rất nhiêu khê. Do đó, ngoài những đề xuất rút ngắn thời hạn, ông Lịch đề nghị tuân thủ nguyên tắc 2 cấp xét xử, không biến những thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử. “Tòa án tối cao là tòa phá án thực sự, chứ không phải cấp xét xử thứ 3 khiến vụ án kéo dài không có đường cùng, điểm dừng”, đại biểu Lịch nêu quan điểm.
Về quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”, đại biểu Lịch đánh giá cao và phân tích thêm, nhà nước không từ chối người dân để bảo vệ quyền lợi, nhưng trên thực tế “chưa đến Tòa án, cô Thư ký đã bác”.
Có quan điểm trái chiều với ông Lịch, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh e ngại quy định "tòa án không được từ chối" không phù hợp với Hiến pháp về việc tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Dự thảo Luật đang cho phép tòa án có quyền xét xử kể cả khi không có luật, tùy tiện áp dụng pháp luật cho mình, còn nguy cơ rủi ro thì dành cho các đương sự, cho dân. Bà Khánh cho rằng quy định này sẽ tăng nguy cơ án hủy, sửa, oan sai, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội.
Được mời phát biểu làm rõ thêm vấn đề, Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho hay, cơ sở đưa ra quy định tòa án không có quyền từ chối vì nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền do dân vì dân nên cần bảo vệ các quyền lợi chính đáng của nhân dân. “Nếu chưa có luật là lỗi nhà nước, phải giành lấy phần khó về Nhà nước”, Chánh tòa tối cao nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thông tin, kết quả lấy ý kiến nhân dân, tuyệt đại đa số các Bộ, ngành, tỉnh, thành đều ủng hộ quy định này. “Quy định trên phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với Bộ Luật dân sự hiện hành”, Bộ trưởng Cường nói.
Võ Hải