Ngày 18/2, ông Nguyễn Thanh Chấn, người ngồi tù oan suốt 10 năm, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Chiến đã gặp luật sư để trao đổi kế hoạch đòi bồi thường.
Người trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông Chấn là luật sư Vũ Thị Nga (Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đề nghị bà Chiến liệt kê những nơi đã đến kêu oan; hướng dẫn cách thức tập hợp chứng từ, tài liệu về hành trình kêu oan và chứng minh những tổn thất gia đình phải gánh chịu.
Do khối lượng công việc nhiều, vợ chồng ông Chấn đã ký hợp đồng thuê thêm một luật sư là cộng sự của bà Nga.
Ông Chấn cho hay gần một tháng từ khi được minh oan không giết người, ông muốn xúc tiến nhanh việc đòi bồi thường. Tuy nhiên, mức cụ thể thì chưa quyết.
Bà Chiến chia sẻ, trong 10 năm kêu oan cho chồng đã phải vay mượn rất nhiều. Hiện một số giấy tờ chứng minh chi phí đã thất lạc. Ngoài mong muốn được bồi thường thỏa đáng theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, bà Chiến còn đề nghị bồi thường tổn thất do lo nghĩ mà bà phát bệnh về thần kinh. "Tôi không làm ăn được trong khi phải điều trị trong thời gian dài, tiền thuốc tốn kém”, bà Chiến nói.
Bà Nga cho biết, theo quy định, một ngày bị giam oan, ông Chấn được bồi thường bằng 3 ngày lương tối thiểu (tương đương 115.000 đồng). Bên cạnh đó, ông Chấn cũng có quyền đòi bồi thường về tinh thần, sức khỏe. Nếu không đạt được thỏa thuận bồi thường với tòa án, ông Chấn có quyền khởi kiện.
Hiện, ông Chấn đã hòa nhập với cuộc sống bằng công việc xay xát gạo. Bệnh thần kinh của bà Chiến đã thuyên giảm.
Điều 46 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước: Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút: 1. Cá nhân, tổ chức có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất. 2. Trường hợp cá nhân có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. 3. Cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường (sau đây gọi chung là lương tối thiểu). Điều 47: Thiệt hại do tổn thất về tinh thần 1. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh được xác định là hai ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh. 2. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. 3. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là ba trăm sáu mươi tháng lương tối thiểu. 4. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá ba mươi tháng lương tối thiểu. 5. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị tạm giữ, tạm giam được xác định là một ngày lương tối thiểu cho một ngày bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo. Thời gian để tính bồi thường thiệt hại được xác định kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can cho đến ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này. |
Việt Dũng