Đến thôn Ba, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh những ngày đầu thu tháng 9, hỏi thăm bệnh binh Vũ Đăng Kháng người làng vồn vã chỉ ngay tới căn nhà đang xây sửa nằm cuối một ngõ nhỏ. Bước ra từ căn phòng ngổn ngang vật liệu xây dựng là người đàn ông với nụ cười hiền từ, dáng đi chậm chạp, tay băng bó treo trên dây vải đeo qua cổ. Ông giải thích vừa mới phẫu thuật một khối u lành ở cổ, trong người có có tới "12 thứ bệnh".
Thấy cha tiếp khách, người con gái thi thoảng lại khuyên nói chậm kẻo huyết áp tăng lên khó kiểm soát. Lục tủ, một tay mang xấp giấy, bằng khen, huân huy chương thời kháng chiến ra mà trán vã mồ hôi, ông bảo đã suy nghĩ rất nhiều khi đâm đơn kiện Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bắc Ninh nhưng "danh dự của người lính bị xúc phạm" khiến ông không thể "ngồi yên". Giờ đây, khi đã thắng kiện, ông càng có niềm tin vào công lý, thấy lòng thanh thản.
Năm 1970, nhận giấy gọi nhập ngũ, ông được đặc cách nhận bằng tốt nghiệp cấp ba sớm để lên đường đi bộ đội, trở thành lính lái xe Trường Sơn. Hơn năm năm chạy xe dọc dãy Trường Sơn, chở hàng ngàn chuyến vũ khí, lương thực, xăng dầu, ông được cấp chứng nhận "vạn km an toàn". Vuốt phẳng tờ giấy chứng nhận đã phai màu, ông Kháng như mơ màng trở lại với chiến trường xưa, nói thấy mình may mắn vì có lúc sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
Sau khi năm 1975 ông tiếp tục đóng quân ở Quảng Trị thêm hơn hai năm nữa. Rồi ông làm sỹ quan chuyên nghiệp, khi nghỉ hưu tham gia làm lãnh đạo xã. Năm 2011, trong một lần đi khám, ông được kết luận bị phơi nhiễm chất độc hoá học. Cuối năm đó, ông bắt đầu được hưởng chế độ trợ cấp hơn một triệu một tháng dành cho người có công với cách mạng bị nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh.
Cắt chế độ vì bệnh án và giấy ra viện mâu thuẫn
Đầu năm 2015, bỗng nhiên bị cắt trợ cấp mà không được thông báo lý do, ông khiếu nại lên Sở Lao động thương binh tỉnh Bắc Ninh và được trả lời đã có quyết định đình chỉ và thu hồi quyết định trợ cấp. Quyết định do Giám đốc Sở ký và ban hành tháng 2/2015.
Ông thấy "danh dự của mình bị xúc phạm" và khiếu nại nhiều lần nữa nhưng không có kết quả.
Ông nói tiền trợ cấp không thấm vào đâu so với tiền thuốc men, chữa trị hàng trăm triệu đồng gia đình đã bỏ ra song quyết định đình chỉ như biến ông thành người gian dối. “Đó là sự xúc phạm tới người lính như tôi”, ông nói.
Giữa năm 2015, ông làm đơn khởi kiện ra toà yêu cầu huỷ bỏ quyết định, phục hồi chế độ, bồi thường tổn thất tinh thần. "Trong những lần hoà giải, tôi thấy niềm tin lung lay dữ dội", ông tâm sự.
Hồ sơ tại phiên xử mở một năm sau đó tại TAND tỉnh Bắc Ninh cho thấy, đại diện Sở Lao động cho rằng ông Kháng bệnh đau lưng, thần kinh tọa trái, không liên quan đến danh mục bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học. Theo danh mục này, bệnh thần kinh ngoại biên mới được công nhận.
Sở nhận thấy bệnh án và giấy ra viện của Bệnh viện huyện Thuận Thành nơi ông Kháng điều trị có mâu thuẫn. Bệnh án chẩn đoán ông bị đau lưng, thần kinh tọa trái, trong khi đó giấy ra viện lại ghi bệnh thần kinh ngoại biên.
Cũng tại phiên tòa này, ông Kháng cho rằng Sở đã sai khi ra quyết định cắt trợ cấp mà không thông báo trước. Thứ hai, ông điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Thành và được chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên. Việc giấy tờ của các cơ sở y tế có mâu thuẫn, ông không hay biết.
Thứ ba, căn cứ kết quả điều trị, bệnh án ông mới làm hồ sơ hưởng chế độ theo đúng quy định, công khai, minh bạch. Thứ tư, hồ sơ chẩn đoán bệnh ông không được nhận trực tiếp mà cơ quan y tế trực tiếp chuyển sang Sở Lao động. Ông không nhờ hay ép ai ra bệnh án theo yêu cầu.
Vì những lý do trên, ông Kháng đề nghị HĐXX huỷ bỏ quyết định của Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội và buộc Sở hoàn lại số tiền đã bị cắt trợ cấp.
Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND tỉnh Bắc Ninh trưng cầu giám định y khoa tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và được trả lời: Bệnh thần kinh tọa là bệnh lý của thần kinh ngoại biên.
Những huân, huy chương và giấy tờ nhân thân thời kháng chiến do ông Kháng giữ được tòa coi là chứng cứ về việc đã tham gia hoạt động kháng chiến từ tháng 10/1970 đến ngày 30/4/1975 tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học như Quảng Trị, ThừaThiên Huế đến đường Chín Nam Lào.
TAND tỉnh Bắc Ninh nhận định việc mâu thuẫn giữa hồ sơ bệnh án và giấy ra viện mà Giám đốc Sở Lao động ra quyết định đình chỉ và thu hồi chế độ với ông Kháng là không có căn cứ pháp luật.
HĐXX tuyên hủy bỏ toàn bộ quyết định đó đồng thời yêu cầu Sở Lao động Bắc Ninh phải khôi phục các quyền lợi hợp pháp cho ông Kháng kể từ ngày bị đình chỉ.