Ở tuổi xế chiều, ông Hoàng Minh Tiến, người đầu tiên được VKSND Hà Nội xin lỗi do bắt oan, vẫn đau đáu mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, dù "sóng gió lao lý" đã trôi qua gần 20 năm.
Đang là Phó chủ tịch Hội đồng xuất nhập khẩu liên hiệp sản xuất Việt Nam, Giám đốc điều hành xuất nhập khẩu liên hiệp khoa học sản xuất Việt Nam và là chủ cửa hàng xuất nhập khẩu tư doanh Đồng Tiến (DOTIMEXCO), ngày 22/11/1992 ông bị bắt sau khi một số thương vụ mua bán đổ bể. Ông bị nghi lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau nhiều năm vướng lao lý với 4 lần hầu tòa, tháng 6/1996, TAND Tối cao tuyên ông không phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản XHCN như kết luận của TAND Hà Nội.
Ngày 28/7/2004, VKSND Hà Nội xin lỗi ông, sau khi có nghị quyết 388 của Quốc hội về bồi thường oan sai. Một năm sau đó, ông kiện ra tòa án, yêu cầu VKSND Hà Nội bồi thường hơn 4 tỷ đồng cho trên 400 ngày bị bắt giam và hơn 900 ngày mang thân phận bị can bị quản thúc tại địa phương cùng nhiều tổn thất trong kinh doanh... Sau nhiều buổi thương lượng, VKS chấp nhận bồi thường hơn 39 triệu đồng.
Ngày được minh oan, toàn bộ cơ ngơi, tài sản của ông không còn, ngôi nhà mặt phố Bạch Mai bị kê biên vẫn chưa được trả lại. "Tôi trở về với hai bàn tay trắng, cuộc sống khổ sở, chẳng khác gì rơi xuống vực thẳm", ông Tiến trải lòng.
"Tôi đang từ một chủ doanh nghiệp với nhiều hoài bão, muốn đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước thì sai sót của VKSND Hà Nội đã khiến đổ bể tất cả", ông than.
Hệ lụy từ án oan không chỉ hủy hoại cuộc đời ông mà còn ảnh hưởng tương lai của 4 đứa con “Thời điểm tôi vướng lao lý, đứa đầu mới 14 tuổi, ăn còn chả có huống chi là học. Ba đứa con gái lớn phải nghỉ học theo mẹ đi làm thuê kiếm sống. Bốn mẹ con phải đi thuê nhà, nhiều hôm phải đi nhặt nhạnh từng lá rau cải thừa, đó là cái đau nhất cho tới tận hôm nay”, ông nghẹn ngào
Sát cánh bên chồng trong suốt những năm tháng đi đòi công lý, nếm trải biết bao khổ ải trong những ngày chồng bị bắt, một mình bà Phạm Thị Lâm (56 tuổi) lo toan mọi việc lớn nhỏ trong nhà, mặc những lời dèm pha. Đôi mắt bà heo đỏ khi nhắc lại những tháng ngày gian nan ấy. “Toàn bộ cơ ngơi, tài sản chỉ vì oan sai đã mất hết, con cái học hành dở dang, phải đi buôn rau bán dạo kiếm sống”, bà kể.
Trong thời gian bị quản thúc, trước khi được minh oan, lúc nào ông Tiến cũng trăn trở tìm cách làm ăn. Được bạn bè giúp đỡ ông bắt đầu gầy dựng lại cuộc sống, không thể quay lại nghề kinh doanh cũ, ông chuyển sang sản xuất thiết bị vệ sinh cùng cọc treo quần áo, bàn ghế..., đánh giá đây là những mặt hàng còn mới mẻ.
Khởi nghiệp với số vốn vay 10 triệu đồng trong thời hạn 9 ngày. Trong lúc chưa biết lấy đâu tiền trả nợ, ông được một người bạn tù hỗ trợ 30 triệu đồng. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, ông đã tìm ra được hướng phát triển kinh doanh. Hiện, ông thuê 7 công nhân tại xưởng và tạo việc làm cho hàng trăm người khi cung ứng nguyên liệu.
Giờ, công việc ổn định, con cái yên bề gia thất, ông hài lòng với cuộc sống, dù không được "huy hoàng" như lúc trước khi bị bắt, nhưng vẫn canh cánh trong lòng khi chưa được trả lại ngôi nhà bị kê biên. Ông vẫn tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan công quyền song chưa nhận được câu trả lời. "Ở đâu cũng nói việc của anh tôi biết rồi, cơ quan phụ trách sẽ xem xét", ông trải lòng và cho hay vẫn luôn đặt niềm tin, chờ đợi vào sự công bằng của pháp luật.
Toán Lương