Trần Xuân Ánh từng đoạt nhiều huy chương vàng wushu quốc tế và trong nước. Tháng 8/2006, vận động viên “lắm tài, nhiều tật” này bị Công an quận Đống Đa (Hà Nội) bắt quả tang đang “vui vẻ” với bé gái 13 tuổi trong khách sạn. Ánh bị xử 5 năm tù về tội “giao cấu với trẻ em”. Thái độ của Ánh hết sức ngang tàng, lì lợm khiến người nào gặp anh ta cũng có cảm giác “lạnh sống lưng”.
Được đặc xá năm 2008, về nhà chỉ một thời gian ngắn, Trần Xuân Ánh tổ chức cuộc đấu súng giết Đào Ngọc Thiết (Thiết "Cù"), một đàn anh giang hồ, để trả mối thù cũ.
Còn kiện tướng vật Nguyễn Thị Quy sau khi giải nghệ, vì tiền đã bán rẻ lương tâm khi đi lừa nhưng cô gái nhẹ dạ làm “mồi” cho một đại gia. Đỗ Khánh Linh, cựu vận động viên môn Pencak Silat phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với những ẩn ức riêng khi mang linh hồn đàn ông nhưng lại phải sống trong vỏ bọc phụ nữ.
Với cựu vận động viên karate Trương Ngọc Tuấn (28 tuổi), dù giải nghệ đã lâu nhưng vẫn giữ được thể hình phong độ của võ sĩ. Mái tóc dài uốn nếp, gương mặt điển trai, nhìn Tuấn giống tài tử điện ảnh. Hơn 10 năm trước, Tuấn từng bước lên bục vinh quang nhận huy chương Đồng giải vô địch karate trẻ châu Á, sau một trận đấu căng thẳng khiến Tuấn chấn thương, gẫy xương quai xanh.
Hành vi mua bán trái phép chất ma túy của Tuấn bị phát giác vào trưa 30/6 khi công an phường Kim Mã kiểm tra hành chính ngôi nhà Tuấn thuê trọ tại ngõ 290 Kim Mã phát hiện gần 120 gam ma túy tổng hợp các loại. Tuấn khai mua số ma túy trên về bán lẻ kiếm lời.
Tuấn kể ông nội là người Bình Định, dạy võ cho bố nhưng không dạy cho Tuấn bởi thấy cháu nội nghịch quá. “Bố biết võ thuật nhưng cũng không dạy cho em. Nhưng em thích võ từ nhỏ nên xin bố cho học võ tại Cung Thiếu nhi”, Tuấn kể. Năm 1997, khi học lớp võ thuật, Tuấn chọn tán thủ là môn võ thuật đối kháng. Học một thời gian ngắn, Tuấn được thầy lựa chọn, chuyển sang học chuyên nghiệp tại trường năng khiếu thể dục thể thao Trịnh Hoài Đức.
Trong một trận thi đấu, bị đối thủ đấm sái quai hàm, Tuấn chuyển sang môn karate. Nhưng với bản lĩnh thích đối mặt, Tuấn không chọn nội dung biểu diễn mà chọn nội dung Kumite (đối kháng).
Theo nghiệp võ thuật, Tuấn đã đoạt rất nhiều huy chương, trong đó có Huy chương đồng giải Karate trẻ châu Á năm 2005 với nội dung Kumite cá nhân, hạng cân dưới 67kg.
Hôm đó khi diễn ra một nửa trận, bị đối thủ đá trúng đầu, Tuấn gần như ngất đi trên sàn thi đấu. Khi mở mắt ra, thấy trọng tài đang đếm, Tuấn bật dậy, tiếp tục thi đấu và giành chiến thắng. Nhận huy chương xong, trở về đoàn, Tuấn thấy đau nhức bả vai. Về nước, vào bệnh viện chụp chiếu, Tuấn được bác sĩ thông báo đã bị gãy xương quai xanh và khuyến cáo sau khi hồi phục Tuấn cần từ giã sàn đấu.
Người vì tiền mà phạm tội, người tìm đến ma túy để giải thoát bản thân song đều òa khóc như một đứa trẻ khi nhắc đến những ngày tháng khổ luyện thành tài, khó khăn mấy cũng vượt qua nhưng cuối cùng họ lại không chiến thắng nổi bản thân...
Cựu kiện tướng vật tự do Nguyễn Thị Quy từng chua xót kể rằng do hoàn cảnh nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ đau yếu, hai anh em Quy phải rau cháo nuôi nhau từ nhỏ. Ăn cũng không được no nên khi được lựa chọn vào đội tuyển thể thao tỉnh Thái Nguyên, Quy vô cùng sung sướng bởi từ nay nhà bớt đi được miệng ăn.
Cái nghèo, cái đói từ cuộc sống cơ cực đã cho Quy quyết tâm phấn đấu, trở thành kiện tướng vật tự do 3 năm liền. Nhưng cái giá của việc 3 năm liền giữ ngôi “kiện tướng” cũng thật nghiệt ngã. Quy bị chấn thương nặng 2 đầu gối, sau khi giải nghệ cũng chỉ là giáo viên thể dục hợp đồng cho một trường tiểu học với mức lương 2 triệu đồng một tháng.
Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên khi kết thân với Trần Quang Chiến - gã doanh nhân có sở thích bệnh hoạn, được Chiến cho tiền thuê nhà, bao ăn chơi, nữ kiện tướng đã bị đồng tiền đánh gục. Quy dẫn dụ những cô gái nhẹ dạ về ngôi nhà do Chiến cho tiền thuê để “trả nợ” đại gia.
Cuộc sống đời thường sau khi giải nghệ cũng khiến Tuấn trầy trật. Anh ta kể rằng ban ngày phụ giúp bố trông nom cửa hàng kinh doanh xe máy tại chợ xe Dịch Vọng, tối tranh thủ dạy thêm tại một trung tâm tại Đông Anh. Nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Hai năm sau, Tuấn chuyển sang công việc mới, làm phát hành tài liệu cho người chú họ. Năm 2009, trong lúc điều khiển ôtô chở người chú họ về quê viếng mộ tại Ninh Bình, Tuấn gây tai nạn giao thông chết người, bị xử 12 tháng án treo.
Cựu vận động viên trầm giọng, thở dài khi thú nhận con đường đến với ma túy. Cuộc hôn nhân với người vợ, cựu vận động viên bóng chuyền tan vỡ. Tháng 2/2012, mẹ ruột đi tù với bản án 20 năm về tội ma túy cùng người chồng thứ hai. Mạnh mẽ trên sàn tập nhưng lại yếu đuối khi gặp những đổ vỡ trong tình cảm. Trượt dài trong ảo giác ma túy, tháng 7/2013, Tuấn bị đi cai nghiện bắt buộc 2 năm tại một trung tâm ở Sóc Sơn.
Tháng 7/2015, hết hạn cai nghiện, Tuấn trở về gia đình với bi kịch của một thằng con luôn xảy ra xung đột với cha, bị thúc ép kinh tế bởi nghĩa vụ nuôi con sau khi ly hôn. Tuấn quyết định thuê nhà ra ở riêng khi tìm được người phụ nữ tên Quỳnh đồng cảm với hoàn cảnh của mình.
Chung sống một thời gian, người tình báo tin đang mang trong người giọt máu của Tuấn. Không nghề nghiệp ổn định, nuôi con riêng chưa xong, nay lại lo cho đứa con chuẩn bị chào đời, Tuấn bảo vì thế đã sa vào con đường mua bán trái phép chất ma túy.
Ngước đôi mắt đỏ hoe, Tuấn bảo: “Em luôn khao khát một gia đình trọn vẹn. Khi gặp Quỳnh, em tự nhủ sau khi kiếm đủ số tiền lo cho Quỳnh sinh con, em sẽ dừng lại vì biết ma túy là thứ rất nguy hiểm...”. Khi được nhắc đến "bài học" từ người mẹ đi tù của mình, Tuấn cúi mặt, thở dài: “Em biết mình sai rồi. Chỉ mong sau này em có một cơ hội làm lại, cố gắng sống tốt...”.
Theo Công an nhân dân