Trao đổi với VnExpress, đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An cho biết, ngày 19/11 cơ quan điều tra tiếp tục tạm giữ hình sự Trần Lê Đức (35 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra tội Lừa dối khách hàng.
Ba người liên quan là Nguyễn Sơn Hải (41 tuổi, trú tại huyện Diễn Châu), Lê Văn Toán (34 tuổi, trú tại Quỳnh Lưu), Bùi Thế Ái (45 tuổi, trú tại thành phố Vinh) cùng bị điều tra về tội này.
Nghi can Đức. |
Theo điều tra, kiểm tra hàng loạt trạm kinh doanh xăng dầu tại Nghệ An, cảnh sát bắt quả tang 11 cơ sở gắn chíp điện tử (IC) giả tại các cột bơm để bớt xén từ 4 đến 11% lượng hàng bán cho khách. Cảnh sát kinh tế xác định người chế tạo IC là Trần Lê Đức và ngày 15/11 đã bắt nghi can này khi đang trốn ở Nha Trang (Khánh Hòa). Đức thừa nhận cáo buộc, khai đã "bán hàng" cho Hải, Toán và Ái.
Quá trình điều tra xác định, thủ đoạn lắp đặt "IC ăn bớt xăng" của nhóm này rất tinh vi. Khác với IC thật, IC này chạy được hai chương trình "đúng và sai" với phương thức vận hành thuận lợi để đối phó cơ quan chức năng.
"Cơ quan điều tra đã chứng minh được nhóm tội phạm do Đức cầm đầu đã hoạt động hơn 6 năm nay. Thu gần 210 chiếc IC, 2 bộ máy sản xuất chương trình, một bộ nạp chạy chương trình", đại tá Thiêm nói. Hiện ngoài 11 trạm xăng bị bắt quả tang, Ban chuyên án 114C đã làm rõ trên 20 trạm kinh doanh xăng dầu tại Nghệ An có gắn "IC ăn bớt xăng" này để lừa dối khách hàng.
Nhà chức trách cũng cho biết, ngoài Nghệ An, các nghi can khai đã lắp cho nhiều cây xăng ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định...
Trong 11 trạm xăng bị bắt quả tang, 10 trạm đã bị rút giấy phép kinh doanh, bị niêm phong không được bán sản phẩm. Trạm còn lại không bị rút giấy phép do đã có công giúp phá án.
Cơ quan điều tra cũng cho biết người đứng đầu của các cây xăng gian lận này chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự. Nhà chức trách đang làm rõ số lượng xăng dầu mỗi cây đã ăn gian của người tiêu dùng trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên đây được cho là vụ án khó vì loại hình tội phạm mới. IC do Đức cung cấp "chạy" cả hai chương trình nên việc xác minh hành vi gian lận sẽ "vất vả".
Ông Phan Ngọc Quang, Chi cục Trưởng chi Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có gần 400 trạm xăng với gần 1.000 cột xăng. Trung bình mỗi một trạm xăng chỉ được cán bộ Chi cục đo lường chất lượng kiểm tra một lần một năm.
Về việc đòi lại quyền lợi của khách hàng bị "móc túi", ông Quang đánh giá đây là việc rất khó giải quyết. “Tôi cho rằng số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại là lớn. Nhưng việc điều tra thu thập chứng cứ, chứng minh khách hàng là nạn nhân để cây xăng hoàn lại tiền lại rất khó”, ông Quang nói.
Vị Chi cục trưởng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các điểm uy tín bằng việc so sánh giữa các trạm xăng này với trạm xăng kia. Các trạm xăng bị phát hiện gian lận chủ yếu do tư nhân quản lý. Khi nghi ngờ có gian lận, người tiêu dùng trực tiếp tới Sở khoa học công nghệ, Chi cục đo lường và công an để trình báo.
Theo luật sư Hoàng Mạnh Dào, ngoài hành vi lừa dối khách hàng, Đức còn có thể bị xử lý về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Chủ của 11 trạm kinh doanh xăng bị bắt quả tang cần bị khởi tố về tội Lừa dối khách hàng. Về quyền lợi của khách hàng trong vụ này, luật sư cho rằng nếu có đủ chứng cứ như hóa đơn mua hàng, người làm chứng... thì có thể khởi kiện ra tòa đòi bồi thường.
Hải Bình