Suốt 11 năm kêu oan cho chồng, bà Nguyễn Thị Mai (46 tuổi) ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang không nhớ nổi đã trải qua bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn. Ngần đấy thời gian trôi qua, làng Yên Lý đã "thay da đổi thịt" khi càng nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, nhưng nhà của bà Mai bao năm vẫn cũ kỹ thế.
Bà Mai kể, ngày 17/8/2005, Đảng ủy xã mời ông Long tới giải quyết vụ đánh nhau với gia đình hàng xóm tên Khuyến. Sáng hôm sau, vì không có xe máy, ông Long nhờ đứa cháu chở tới xã bên cạnh lấy nốt tiền công làm thuê 600.000 đồng, rồi mới tới xã làm việc. Ông Long bị bắt ngay hôm đó. Hai ngày sau, bà Mai đang làm thuê ở Bắc Ninh thì được một người báo tin dữ này. Hàng xóm đồn thổi, ông Long bị bắt vì lý do đánh nhau. Bà Mai tới cơ quan công an xin gặp chồng nhưng không được.
"Lúc đó tôi nghĩ đơn giản, chắc tại vì nhà tôi nóng tính đánh nhau với người nhà bà Khuyến và còn thiếu 300.000 đồng trong 1,6 triệu đồng bồi thường nên công an giữ người, chứ không có gì to tát", bà Mai nói với VnExpress.
Đến ngày 21/8/2005, gia đình bà Mai choáng váng khi Công an tỉnh Bắc Giang gửi thông báo tới nhà về việc bắt tạm giam ông Hàn Đức Long do nghi ngờ hiếp dâm và giết một bé gái trong vụ án chưa tìm ra hung thủ.
“Tôi không bao giờ tin chồng mình làm thế vì chứng kiến ông ấy có mặt ở nhà vào lúc xảy ra việc cháu bé bị hiếp và giết”, bà Mai khẳng định. Suốt nhiều năm qua điều này cũng chính là sợi dây buộc chặt niềm tin của bà Mai rằng chồng mình bị oan.
Hành trình kêu oan cho chồng của bà đã bắt đầu như thế. Bà bảo gửi đơn không sót cơ quan tố tụng hay cơ quan có thẩm quyền nào, từ công an tỉnh Bắc Giang đến Bộ Công an, từ TAND tỉnh đến TAND Tối cao…
Có lần vì quá tủi cực trước thái độ của người nhận đơn, bà và một phụ nữ đi cùng đã ôm nhau khóc ngay giữa đường. “Tôi đi nhiều nơi lắm, chẳng thể nào đếm xuể”, bà Mai nói.
Nhớ lại những lá đơn đầu tiên, bà bảo: “Chữ thì xấu, tôi cứ viết phác ra rồi bảo con gái chép lại cho đẹp, cũng chẳng biết mẫu đơn yêu cầu bố cục thế nào mà cứ viết bừa. Giờ xem lại những lá đơn đầu tiên, có lá chẳng có dấu chấm phẩy nào, sai chính tả liên miên. Sau này dần dà có kinh nghiệm, tôi viết tay rồi mang ra hàng nhờ người ta đánh máy cho chuẩn”.
Tháng 6/2007, bà Mai lần đầu tiên được gặp chồng trong vỏn vẹn 15 phút. "Không thể tưởng tượng được, anh ấy suy sụp nên trông như "ma" ấy. Tôi cố gắng không khóc theo chồng, khuyên phải cố trụ thì tôi ở ngoài mới đi kêu oan được, chứ lỡ chết đi rồi thì oan ức biết kêu ai”, bà kể.
Từ sau đó, bà Mai tháng nào cũng đến thăm hoặc gửi tiền qua đường lưu ký cho ông Long. Một mình làm 5 sào ruộng chỉ đủ ăn, bà phải xoay sang làm thuê đủ nghề để kiếm tiền đi lại. Thấy người ta trải bạt ra ngủ ở vỉa hè bà cũng ngủ theo cho bớt tốn kém. Ăn thì khi có cơm nắm, khi nhai mì tôm sống uống nước cũng no.
Bà Mai kể một lần ngồi đợi xe buýt ở đường Lý Thường Kiệt để ra bến xe Gia Lâm thì có một thanh niên tới mời đi xe ôm. Bà nói không đủ tiền trả, anh ta nói chỉ lấy hơn giá đi xe buýt một chút thôi, vì thế cả tin cũng đi theo. "Cậu ta chở tôi lên đoạn đường vắng ở đê Long Biên dọa giết nếu không đưa tiền. Tôi sợ quá lột nốt 500.000 đồng trong túi đưa cho, cậu ta chửi bới dọa nạt một hồi rồi bỏ tôi lại một mình…. Cũng may, sau đó, có người tốt bụng đã cho tôi 3.000 đồng để đi xe buýt”.
Nghĩ lại những nhọc nhằn ngày cũ, bờ vai bà Mai không ngừng run run, những giọt nước mắt tủi cực chực chờ nơi khóe mắt. Dù bao khó khăn, nhưng bà Mai vẫn không ngừng gửi đơn đi khắp nơi kêu oan cho chồng. Có đợt mỗi tuần bà gửi một lá đơn, sau này thưa hơn mỗi tháng gửi một lá. Dù rằng chẳng bao giờ nhận được hồi âm nhưng bà vẫn cứ gửi với một niềm tin biết đâu đó may mắn họ sẽ đọc một trong những lá đơn mình đã gửi.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26/6/2005, một đôi vợ chồng ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang đi làm đồng về không thấy con gái 5 tuổi ở nhà. Hôm đó, mọi nỗ lực tìm kiếm của gia đình không có kết quả. Sáng sớm hôm sau, một phụ nữ cùng xã đi làm sớm phát hiện thấy xác bé gái tại mương nước gần bờ ruộng. Nhà chức trách xác định, đứa trẻ bị hiếp dâm rồi dìm chết.
Đến tháng 10/2005, cơ quan điều tra nhận được đơn của hai mẹ con tố cáo cùng bị người cùng thôn là Hàn Đức Long hiếp dâm. Bị triệu tập, Hàn Đức Long thú nhận việc này, sau đó làm đơn tự thú là thủ phạm hiếp dâm, giết đứa trẻ 5 tuổi nêu trên.
Từ năm 2007 đến năm 2011, qua 4 phiên tòa, ông Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Suốt thời gian này, ông Long liên tục kêu oan, nói do bị ép buộc nên thời điểm bị triệu tập mới nhận tội.
Ngày 9/5/2014, TAND Tối cao ra kháng nghị lần thứ hai. Theo đó, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo Long trước cơ quan điều tra và các tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp. Song chứng cứ thu thập của cơ quan điều tra còn nhiều mâu thuẫn với lời khai nhận của bị cáo. Nhiều chứng cứ quan trọng, tòa các cấp chưa phân tích đánh giá khách quan, toàn diện.
"Chưa có đầy đủ căn cứ vững chắc xác định chính xác thời gian bị cáo thực hiện hành vi phạm tội và phạm tội như thế nào", kháng nghị nêu và đề nghị hủy các bản án trước đó, giao hồ sơ vụ án cho VKSND Tối cao để điều tra lại theo trình tự thủ tục chung.
Giữa năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang trong kết luận điều tra bổ sung vẫn tiếp tục đề nghị truy tố ông Long vì cho rằng đủ căn cứ kết tội.
Ngày 20/12, VKSND tỉnh Bắc Giang đánh giá kết quả điều tra lại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang theo quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, cho thấy chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Long về các tội danh bị khởi tố. Vì vậy, Viện đình chỉ điều tra vụ án với bị can Hàn Đức Long.
VKSND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang, UBND xã Phúc Sơn (huyện Tân Uyên, Bắc Giang) phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Long theo quy định của pháp luật.
Bảo Hà