Sáng nay, đánh giá 6 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Cục trưởng Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bốn cho biết đến hết ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong số này, hơn 200 vụ việc đã được giải quyết (đạt 79%) với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng. 54 vụ còn lại đang tiếp tục giải quyết.
Các vụ thụ lý bồi thường chủ yếu thuộc lĩnh vực tố tụng với 163 vụ, riêng tố tụng hình sự có 32/38 vụ việc đã giải quyết xong, chi tiền bồi thường gần 40 tỷ đồng.
Ông Bốn nhận định những con số trên còn "hạn chế" và "chưa phản ánh đúng bản chất trách nhiệm bồi thường nhà nước", bởi ước tính 1/4 số việc yêu cầu bồi thường chưa được các cơ quan giải quyết thỏa đáng. Trong thời gian qua, tòa án các cấp cũng đã thụ lý 51 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước do người bị thiệt hại không đồng ý với cách thương lượng của cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Theo ông Bốn, hai vụ có số tiền bồi thường kỷ lục thuộc về hai người bị kết tội oan là ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang) và cựu giám đốc Lương Ngọc Phi (Thái Bình). Hiện, ông Chấn đã nhận tiền bồi thường hơn 7 tỷ đồng. Với ông Phi, theo phán quyết của tòa án cơ quan gây oan sai phải bồi thường gần 23 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Nói mục đích ra đời Luật Bồi thường nhà nước để “cán bộ công chức ý thức nếu làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường”, nhưng đại diện Bộ Tư pháp thừa nhận kết quả đạt được còn thấp, chưa có tác dụng răn đe. "Chỉ gần 700 triệu đồng được công chức hoàn trả cho nhà nước trong 22 vụ việc. Ngành tòa án có một vụ việc được hoàn trả với số tiền 8,5 triệu đồng", Cục trưởng Bốn nói và cho biết theo luật hiện hành số tiền công chức phải hoàn trả là "quá thấp".
Theo ông Bốn, một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết bồi thường chậm trễ là bởi "thủ tục giải quyết bồi thường còn quá rườm rà", chưa tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước cũng như người bị hại. Bên cạnh đó, người bị hại còn e ngại khi đưa ra yêu cầu, lại phải tự chứng minh thiệt hại nên mất thời gian.
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, điều 16 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định, trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 3 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Để đảm bảo người có nghĩa vụ phải nghiêm túc thực hiện việc hoàn trả (kể cả khi đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu) thì luật cho phép cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật. |
Bảo Hà