Anh Sang mồ côi từ nhỏ, bỏ học sớm, rời quê đến huyện Thạch Thất, Hà Nội làm thuê, rồi có tình cảm với cháu gái của ông chủ, tên là Gấm. Thương anh chất phác, chăm chỉ, gia đình vợ đồng ý cho ở rể sau đám cưới năm 2002.
Ba năm sau, con đầu lòng chào đời. Bố mẹ cho vợ chồng anh ăn riêng, nhưng vẫn sống chung nhà. Do công việc làm ăn, anh phải xa nhà và mâu thuẫn vợ chồng ngày càng gay gắt. Tình cảm lạnh nhạt. Năm 2014, anh đơn phương xin ly hôn song sau đó đã rút đơn.
Đến cuối năm 2016, anh nộp đơn lần hai và được TAND huyện Thạch Thất chấp nhận, cho rằng vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, không thể hàn gắn. Chị Gấm không đồng ý ly hôn, kháng cáo với nguyện vọng mong có thêm cơ hội đoàn tụ gia đình.
Tại phiên phúc thẩm xét nguyện vọng của chị Gấm mở tại TAND Hà Nội vào cuối tháng 6, khi nói về mâu thuẫn gia đình, chị tố chồng thiếu trách nhiệm với vợ con khi nhiều lần bỏ đi biền biệt. Năm 2005, anh đi xa tận 2 năm mới về, từ 2008 lại "mất tích" tới 6 năm.
“Gia đình tôi đã hơn một lần nhận anh ấy về, nhưng anh ấy không biết đường thay đổi”, chị bức xúc nói chồng không có trách nhiệm với vợ con. Sau phần giãi bày ngắn ngủi, chị một mực khẳng định vợ chồng không có mâu thuẫn lớn, không muốn ly hôn.
Tại phần trình bày của mình, anh Sang 'khơi' rõ những lỗ hổng khó hàn gắn trong cuộc hôn nhân của hai người. Anh Sang bảo hơn 10 năm nay, vợ chồng sống không khác nào sống ly thân. Theo anh, năm 2005, không phải bỗng dưng mà rời nhà đi xa. Lúc đó, con vừa chào đời, gánh nặng kinh tế lớn dần. Tự nhận mình xuất thân nghèo khó, năng lực cũng có hạn, tuy nhiên hàng ngày bị vợ chì chiết chê “nghèo”, “vô dụng”, anh thấy mình bị xúc phạm.
“Cô ấy so bì người này lấy chồng sướng, người kia lấy chồng có của hồi môn. Ngày nào cũng vậy tôi không chịu được. Năm 2005 không phải tôi bỏ nhà đi mà về quê ở Lào Cai làm thuê”, anh trình bày trước tòa.
Anh giải thích đi làm xa để tránh vợ chồng xung đột. Mỗi lần về thăm con, vợ không hỏi chuyện gì ngoài tiền. “Hễ mở miệng ra là cô ấy hỏi tiền đâu. Tôi ốm đau nhờ cô ấy mua viên thuốc cô ấy cũng than thở. Có lần cô ấy còn nói 'anh bước chân ra đi đừng quay về nữa'”, anh Sang nói lỗi của vợ.
Sang nói ở quê ai thuê trồng rau, vác củi anh làm hết, không chê việc gì, nhưng sức khỏe có hạn, năng lực thấp nên tiền kiếm được không nhiều. “Thỉnh thoảng tôi vẫn về nhà vì nhớ con. Tôi vẫn sắm cho con từ cái quần, cái xe đạp. Tiền đi làm tôi trả thuê nhà trọ, thuốc men đâu còn nhiều. Tôi có tiền đến đâu thì phụ nuôi con tới đó”, anh Sang giãi bày.
Anh tố ngược chị Gấm không quan tâm hay có trách nhiệm gì với người thân thích của chồng. “Bố mẹ tôi xấu số mất từ khi tôi còn nhỏ. Nhưng giờ tôi trưởng thành muốn về quê xây nhà cửa, hương khói cho các cụ mà cô ấy không chịu theo”, anh cho biết thêm. Anh Sang nói ngoài chê nghèo, chị Gấm còn 'khinh' anh là người dân tộc, là trẻ mồ côi khiến anh thấy càng tổn thương nặng.
Nghe chồng giãi bày, chị Gấm quay sang nói xin lỗi. Nhưng anh Sang gạt đi, gay gắt nói: “Bao năm sao không xin lỗi? Giờ tôi không chấp nhận, không thể quay lại được nữa”.
Người chồng một mực không chấp nhận hàn gắn với vợ, nói sẽ đưa con về quê, cất ngôi nhà tạm trên mảnh đất hương hỏa của gia đình. Anh tuy nghèo, trẻ mồ côi nhưng vẫn là trưởng họ. Việc thờ cúng là quan trọng nhất.
Chị Gấm vẫn giữ nguyên ý nguyện không muốn ly hôn. Khi HĐXX hỏi có biện pháp gì để hàn gắn hôn nhân, chị im lặng.
Xét thấy vợ chồng không chung sống với nhau nhiều năm, có nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn, TAND Hà Nội tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.
Bảo Hà