Trở thành luật sư chính thức của Đoàn Luật sư Hà Nội năm 2016, nhìn ông Nguyễn Văn Thịnh làm việc, gõ máy tính thoăn thoắt ít ai ngờ rằng ông bị khiếm thị. Mấy tháng trước, khi chuẩn bị tốt nghiệp khóa học luật sư của Học viện Tư pháp, ông đến gõ cửa nhiều nơi xin tập sự đều bị từ chối tế nhị. Nay, ông mãn nguyện bởi đã được làm công việc của luật sư. Tuy không trực tiếp bào chữa trong các phiên tòa nhưng ông hạnh phúc khi được tư vấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhiều người.
Ông bảo từ năm 5 tuổi mắt bắt đầu mờ mà không rõ nguyên do. Gia đình chạy chữa nhiều nơi đều vô vọng. Học hết cấp 2 ông đành từ giã ước mơ đèn sách do gia cảnh khó khăn, lăn lộn cuộc sống với đủ thứ nghề từ thợ xây, thợ mộc, thợ nề tới sản xuất đậu phụ...
Năm 40 tuổi khi kinh tế dần ổn định, hai con cũng khôn lớn là lúc ông chính thức không nhìn thấy gì. Vào sinh hoạt trong Hội người mù quận, ông dần vơi đi mặc cảm khi thấy bao cảnh đời cũng tương tự như mình. Cũng từ đây, ông trở lại với việc học tập.
Ngày đầu đến lớp học cấp ba dành cho người khiếm thị, ông “choáng” khi các bạn học đều đánh máy vi tính vèo vèo, còn mình không nghe kịp, viết kịp lời thầy giảng nên quyết định quay lại học từ cấp hai để làm quen.
Yêu thích nghề luật từ lâu, khi đỗ đại học, ông chọn chuyên ngành luật kinh tế. Khó khăn lớn nhất trong việc đến trường là quãng đường đi xe buýt gần chục km từ An Dương đến Hoàng Quốc Việt. Vượt qua vất vả, những câu nói kỳ thị hỗn hào của nhiều thanh niên gặp như "cơm bữa" trên xe buýt đông đúc, cứ nghĩ đến sắp thành người thừa, ông lại quyết tâm đến lớp.
Mỗi buổi nghe giảng, ông dùng điện thoại ghi âm, về nhà nghe lại rồi nghiền ngẫm. Ông bảo học luật khó nhưng thú vị... Tốt nghiệp đại học, ông đăng ký tiếp học chứng chỉ luật sư của Học viện Tư pháp. Khi ấy nhiều giảng viên đã ái ngại giùm ông bởi tỷ lệ thi đầu vào trượt tới 30-40%. Dù vậy, ông vẫn quyết tâm.
Chia sẻ với VnExpress, ông bảo lao động và học tập là một nhu cầu để thấy mình đang thực sự sống. "Có lúc tiêu cực tôi từng nghĩ đến cái chết, nhưng giờ thì khác”, ông tâm sự.
Ngoài rào cản trong chuyên môn đang cố gắng tích luỹ kinh nghiệm, với ông khó khăn nhất là tạo được sự tin cậy ở khách hàng với luật sư khiếm thính.
Luật sư Nguyễn Bích Lan, Trưởng văn phòng luật số 5, kể đã khâm phục ông Thịnh ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc. Vì thế, bà không ngần ngại khi nhận ông về, giao việc phù hợp và dành thời gian để ông bắt nhịp.
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Văn Chiến chia sẻ đã ấn tượng với thí sinh đặc biệt này trong phần thi sát hạch luật sư. Ông Chiến nhận thấy cử nhân luật khiếm thính này có trí nhớ rất tốt, chăm chỉ và cẩn thận. Khâm phục ý chí vượt qua hoàn cảnh ông Thịnh, ông Chiến nhắn nhủ rằng nghề luật không phải chỉ có ra toà bảo vệ thân chủ mà tư vấn, phổ biến pháp luật đến người dân cũng là công việc rất có ý nghĩa.
Bảo Hà