Nguyễn Quý Hợi (huyện Ea H’Leo, Đăk Lăk) không kết hôn nhưng có con chung với con gái của ông Nguyễn Hồng Thanh. Vì vậy giữa Hợi và ông Thanh có xích mích.
Theo hồ sơ, khoảng 16h ngày 22/5/2011, ông Thanh đang chạy xe máy trên đường tại xã Ea Nam (huyện Ea H’Leo, Đăk Lăk) thì gặp Hợi. Bị ông Thanh chửi, Hợi lấy khúc gỗ dài khoảng 80 cm rồi chạy xe máy đuổi theo để đánh. Hợi chạy xe với vận tốc 80 km/giờ.
Ông Thanh phát hiện Hợi đuổi theo phía sau nên hoảng sợ phóng nhanh. Vừa chạy ông Thanh vừa quay đầu lại rồi hô to: “Cứu với, cứu với…”. Đến đoạn đường cong, ông Thanh chạy xe về phía bên trái đường theo hướng đang đi nên đã đâm vào xe máy ngược chiều. Hậu quả ông Thanh tử vong ngay tại chỗ.
Ban đầu, Hợi bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng. Sau đó vụ án được chuyển lên cơ quan tố tụng cấp tỉnh và Hợi bị khởi tố, truy tố về tội Giết người.
Tháng 5/2014, TAND tỉnh Đăk Lăk xử sơ thẩm. Tại tòa, Hợi cho rằng ông Thanh chửi bị cáo xong rồi chạy xe máy hướng về nhà ông Thanh. Còn Hợi chạy máy cày đến để ở chỗ vợ đang bán dưa hấu gần đó rồi lấy khúc gỗ đuổi theo ông Thanh để đánh dằn mặt. Ông Thanh chạy xe lấn sang phần đường bên trái nên mới tông vào xe mô tô chạy ngược chiều.
Là người bào chữa, luật sư Phạm Văn Nghị (Đoàn LS tỉnh Đăk Lăk) cho rằng Hợi không phạm tội giết người. Vì mục đích của bị cáo là đuổi theo để hỏi ông Thanh về việc chửi bị cáo rồi mới đánh dằn mặt nhưng chưa thực hiện được. Ông Thanh có hô “cứu, cứu”, điều này thể hiện ông đủ tỉnh táo để xử lý tình huống như tấp vào lề đường nhờ người dân trợ giúp. Nhưng ông Thanh không chọn phương án an toàn cho mình mà lại ép xe sang phần đường bên trái nên va chạm với xe ngược chiều. Hậu quả này hoàn toàn không phải do lỗi của bị cáo nên hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Hơn nữa, bị cáo cũng không có mục đích tước đoạt tính mạng của người bị hại.
TAND tỉnh Đăk Lăk áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự (phạm tội có tính chất côn đồ) để phạt Hợi 12 năm tù về tội Giết người và buộc bồi thường cho gia đình bị hại hơn 100 triệu đồng. Hợi kháng cáo yêu cầu xem xét lại tội danh. Phía bị hại cũng kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tăng mức bồi thường.
Tháng 9/2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng nhận định TAND tỉnh Đăk Lăk xử Hợi tội Giết người là không đúng pháp luật. Hợi tuy có dùng môtô đuổi theo ông Thanh, việc ông Thanh điều khiển xe chạy với tốc độ nhanh, rẽ trái tông vào xe khác tự gây tai nạn dẫn đến tử vong là do lỗi của bị hại.
Xét về hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả thì thấy Hợi không trực tiếp gây ra cái chết đối với ông Thanh nên không phạm tội giết người như cấp sơ thẩm quy kết. Bị cáo Hợi có thể bị điều tra về một tội phạm khác (nếu có). Từ đó tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại.
Sau đó liên ngành Công an - VKSND - TAND tỉnh Đăk Lăk có văn bản kiến nghị TAND Tối cao hủy bản án phúc thẩm để Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xét xử lại.
Mới đây nhất, Chánh án TAND Tối cao có kháng nghị yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm theo hướng hủy phần trách nhiệm hình sự bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại. Theo quyết định kháng nghị, Tòa Phúc thẩm cho rằng hậu quả ông Thanh chết không có quan hệ nhân quả đối với hành vi của Hợi là không chính xác.
Vì trường hợp này tuy Hợi không mong muốn nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra. Ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra của Hợi thể hiện ở việc Hợi biết hành vi đuổi theo có thể nguy hiểm đến tính mạng của ông Thanh nhưng Hợi vẫn đuổi theo trên đoạn đường dài 800 m cho đến khi ông Thanh xảy ra tai nạn mới dừng lại, quay xe về mà không cứu giúp. Cấp phúc thẩm cho rằng Hợi không trực tiếp gây ra cái chết đối với ông Thanh nên không phạm tội giết người là không chính xác.
Ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao: Đừng để cái sai này chồng lên cái sai khác Theo tôi, hành vi của Hợi không có dấu hiệu của tội phạm nào mà chỉ có thể xem xét xử phạt hành chính về hành vi chạy xe quá tốc độ. Có dấu hiệu nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng vì không gây ồn ào, ách tắc giao thông... Cũng không phải tội giết người vì hành vi khách quan như cầm hung khí đánh, chém để thể hiện việc Hợi thực hiện giết người là không có. Về mặt chủ quan, Hợi không có lỗi trong cái chết của ông Thanh. Nguyên nhân khiến ông Thanh chết là do tai nạn, Hợi không có tác động nào trực tiếp khiến ông Thanh té nên không có quan hệ nhân quả với việc truy đuổi của Hợi… Nói tóm lại, không thể kết Hợi về tội Giết người và cũng không thể kết tội khác. Vì vậy, nếu đã thấy không còn dấu hiệu của tội phạm nào khác thì cơ quan tố tụng nên mạnh dạn đình chỉ điều tra và tuyên bố anh Hợi bị truy tố, xét xử oan. Tránh tình trạng cố buộc tội cho bằng được sẽ khiến cái sai này chồng lên cái sai khác. Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP HCM: Có dấu hiệu của tội đe dọa giết người Hành vi của Hợi có dấu hiệu của tội đe dọa giết người. Ông Thanh có mâu thuẫn với Hợi từ trước nên khi gặp nhau, ông Thanh chửi Hợi và Hợi cầm khúc gỗ dài 80 cm rượt đuổi ông Thanh. Chính những tình tiết này và hành vi của Hợi đủ để chứng minh rằng Hợi đe dọa giết ông Thanh. Ông Thanh có căn cứ để lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Theo Điều 103 Bộ luật Hình sự: “Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện”. Hành vi đe dọa có thể bằng lời nói cũng có thể là hành động hoặc hành vi khác được thể hiện bằng “việc đe dọa”. Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn luật sư TP HCM: Không có dấu hiệu của tội giết người Đối với tội giết người thì hành vi của người phạm tội là phải nhằm tước bỏ quyền sống của người khác. Còn ông Thanh và Hợi đã mâu thuẫn từ trước, ông Thanh chửi Hợi rồi đi về, Hợi chạy xe máy cày đi cất sau đó mới dùng xe máy đuổi theo ông Thanh “nhằm đánh dằn mặt”. Quãng đường mà Hợi đuổi theo ông Thanh là khoảng 800 m, sự việc diễn ra trong thời gian ngắn, Hợi vẫn chưa tiếp cận được với ông Thanh thì ông Thanh lấn trái tông vào người đi ngược chiều. Qua đó vẫn chưa có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy Hợi muốn tước đoạt mạng sống của ông Thanh. Việc Hợi chạy nhanh lên đến 80 km/giờ chỉ nhằm mục đích “bắt kịp” ông Thanh để đánh (như lời khai của Hợi) nhưng hành vi đánh người vẫn chưa xảy ra vì chưa đuổi kịp. |
Theo Pháp luật TP HCM