TAND TP HCM cho biết từ ngày 14 đến ngày 27/7, cơ quan này sẽ xét xử vụ án điểm thứ hai về tham nhũng đối với Nguyễn Văn Khỏe (56 tuổi - nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn), Trần Thị Hà, Hà Văn Hòa (nguyên giám đốc và phó giám đốc công ty Thành Phát) và 7 bị cáo khác.
Theo cáo buộc của VKS, sau chuyến hợp tác lao động tại Đức trở về Việt Nam, Hà ly dị chồng và bỏ vào TP HCM. Đến năm 2001, người đàn bà này về sống chung như vợ chồng với Hà Văn Hòa (từng có một tiền án 10 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) và sinh được một người con.
Đầu năm 2002, có một tỷ đồng trong tay, Hà và người tình thành lập công ty TNHH XDTM Thành Phát nhưng khai khống với cơ quan chức năng vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Do quen biết với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (chi nhánh Chợ Lớn), Hà vay 18 tỷ đồng để mua căn nhà 26 đường Trường Sơn, quận Tân Bình mà tài sản thế chấp chính là căn nhà này.
Công an khám xét nhà ông Khỏe. Ảnh: Đức Quang. |
Sau đó, đôi nhân tình mua hơn 4.800 m2 đất tại xã Đông Thạnh - huyện Hóc Môn rồi phân lô bán nền trái pháp luật. Phát hiện sự việc, ông Nguyễn Văn Khỏe (lúc này là Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn) chỉ đạo cho Trần Văn Tè (Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh) ngăn chặn. Lúc này, Hòa nhờ Đặng Công Danh (người có mối quan hệ thân thiết với ông Khỏe) “bôi trơn” 400 triệu đồng cho vị chủ tịch để được tiếp tục san nền, bán đất và thu lãi hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, Danh đã “nẫng tay trên” của ông Khỏe 100 triệu đồng.
Có mối quan hệ với ông Khỏe, “vợ chồng” Hà khai tăng vốn điều lệ của Thành Phát lên 50 tỷ đồng nhằm xin dự án khu dân cư và công nghiệp sạch cũng tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Thực hiện ý định, Hà và Hòa đã lập khống hồ sơ đền bù dự án trên, tạo những bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giả… rồi trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để được chấp thuận, Hà nhiều lần tặng quà, tiền, đưa ông Khỏe và các quan chức địa phương đi “du hí” tại nhiều tỉnh thành. Thậm chí, người đàn bà này còn nhiều lần “vui vẻ” với chủ tịch và hứa tặng ông Khỏe chiếc xe hơi Lexus đời mới.
Do vậy, dù biết công ty Thành Phát không đủ năng lực thực hiện dự án, ông Khỏe vẫn giao cho Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Hóc Môn - Dương Minh Trung, làm nhiệm vụ thẩm định dự án đề xuất, triển khai giao đất cho Thành Phát.
Tháng 2/2005, UBND huyện lại có văn bản đề nghị cơ quan chức năng của thành phố tạo điều kiện giao đất trước cho công ty này vì không gây ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất ở địa phương.
Theo xác định của VKS, tổng cộng Khỏe đã nhận của công ty Thành Phát hơn 1,4 tỷ đồng, 10.000 USD và nửa chiếc sừng tê giác (trị giá 10.000 USD).
Có trong tay quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và hồ sơ, danh sách đền bù giả, “vợ chồng” Hà mang đến ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chợ Lớn vay 42 tỷ đồng (tương đương 5.000 lượng vàng). Để vay được tiền, Hà “lót tay” cho cho Nguyễn Công Định (nhân viên tín dụng) để người này xác nhận “đủ điều kiện vay vốn”. Sau đó, Hà cũng dùng chiêu “vui vẻ” như với chủ tịch Khỏe trước đó để “lấy lòng” Trần Văn Tuyến là giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chợ Lớn. Từ đó, Hà đã được Lưu Thị Minh Hiền (phó giám đốc) và Tuyến duyệt cho vay 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng (chuyển số dư nợ mua nhà 26 đường Trường Sơn trước đó).
Với hành vi trên, VKSND TP HCM đã truy tố bị cáo Nguyễn Văn Khỏe về các tội “nhận hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”; Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “đưa hối lộ”.
Ngoài ra, cơ quan này cũng truy tố Trần Văn Tè, Dương Minh Trung, Nguyễn Văn Dò, Đặng Công Danh cùng các cán bộ chi nhanh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chợ Lớn như: Nguyễn Công Định, Trần Văn Tuyến, Lưu Thị Minh Hiền về các tội danh: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “đưa và nhận hối lộ”, “làm môi giới hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, “vi phạm các quy định về cho vay trong tổ chức tín dụng”...
Vũ Mai