Về việc thực thi các quy định của Luật thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7, trung tướng Cao Ngọc Oánh (Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an) cho VnExpress.net biết, về nguyên tắc việc tiêm thuốc độc diễn ra ngay tại trại tạm giam có tử tù đang bị giam giữ; nơi có tòa án sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử.
Trung tướng Cao Ngọc Oánh. Ảnh: Thái Thịnh. |
Hiện, mỗi năm số người bị thi hành án tử hình tăng 80 - 100 người, nên trước mắt Bộ Công an sẽ xây dựng phòng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc theo cụm khu vực. Sau đó, tùy tình hình thực tế sẽ triển khai dần ở các địa phương để hạn chế khó khăn và phát sinh trong quá trình di chuyển tử tù đến địa điểm thi hành án.
Hiện, lượng án tử hình chủ yếu liên quan đến hành vi giết người cướp của và ma túy.
Tướng Oánh cho biết, Tổng cục thi hành án đã và đang khẩn trương hoàn thiện các công việc chuẩn bị để triển khai việc tiêm thuốc độc thay xử bắn tử tù, đúng như lộ trình của Luật thi hành án tử hình đã quy định. Song hiện vẫn còn một số khó khăn như đào tạo nghiệp vụ; chuẩn bị công nghệ công nghệ, vật chất cho việc tiêm thuốc độc; thiếu quỹ đất để xây dựng nhà thi hành tử hình…
"Do vậy, cuối năm nay mới chính thức triển khai việc thuốc độc với tử tù; và từ 1/7 chấm dứt hình thức xử bắn", Tổng cục trưởng Cao Ngọc Oánh nói.
Theo thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an), việc thi hành án bằng tiêm thuốc độc sẽ giúp người bị thi hành án tử hình ít đau đớn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn. Việc này cũng khắc phục những khó khăn, bất cập trong thi hành án tử hình bằng xử bắn thời gian qua như về pháp trường tổ chức thi hành án; về áp lực tâm lý với cán bộ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án...
Thái Thịnh