Trong phần tranh tụng chiều qua, 3 luật sư của bị cáo Dương Chí Dũng là những người đầu tiên trong 14 luật sư tham gia tố tụng nêu quan điểm bảo vệ thân chủ. Ông Dũng ngồi nghe với thái độ bình thản, trong khi ở hàng ghế dưới vợ ông tỏ vẻ lo lắng khi trước đó ít phút cơ quan công tố đề nghị mức án tử hình với chồng mình về tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế.
Mở đầu phần bào chữa, luật sư Ngô Ngọc Thuỷ khẳng định ngay không có cơ sở pháp lý nào để buộc tội tham ô với ông Dũng. Theo luật sư, ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT Vinalines, không quản lý trực tiếp tài sản gì, "vậy lấy lý gì để tham ô".
Luật sư Thuỷ phân tích, hồ sơ vụ án xác định khoản "lại quả" 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) là tiền của Công ty AP (Singapore) chuyển vào tài khoản của Công ty Phú Hà chứ không phải vào tài khoản cá nhân hay tài khoản của Vinalines. “Căn cứ nào để khẳng định đây là tài sản của Vinalines để rồi quy buộc bị cáo tham ô, VKS trả lời cho?”, luật sư Thuỷ trình bày.
Về cáo buộc tội Cố ý làm trái, luật sư Thuỷ cho rằng ông Dũng muốn phát triển ngành hàng hải, song đã "nóng vội" trong quá trình thực hiện. "Tuy nhiên đây không phải là vẽ việc để kiếm tiền”, luật sư nói.
Theo ông Thuỷ, HĐQT Vinalines có nhiều người nhưng các cơ quan tố tụng chỉ truy tố ông Dũng và tổng giám đốc Phúc thì "liệu có bỏ lọt tội phạm hay không?". Bởi trên thực tế, ông Dũng không phải là người tự quyết định được tất cả các vấn đề khi mọi quyết định, tờ trình đều được đưa ra HĐQT họp và quyết định.
Cùng bào chữa cho ông Dũng, luật sư Trần Đình Triển quan ngại khi cơ quan điều tra chưa làm rõ được các vấn đề liên quan đến hai công ty môi giới của nước ngoài trong thương vụ mua ụ nổi 83M. "Nếu bây giờ Giám đốc của Công ty AP nói khoản 1,666 triệu USD chuyển cho Công ty Phú Hà là tiền đầu tư thì sao?", ông Triển nêu giả thiết.
Luật sư Triển cho rằng trong quá trình xin phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam có nhiều văn bản của các cơ quan trung ương, bộ ngành, song VKS đã không đưa những văn bản có lợi cho thân chủ mình vào hồ sơ. "Mọi việc ông Dũng đều có xin phép, nên sai phạm nếu có chỉ là thiếu trách nhiệm trong việc Vinalines mua ụ nổi 83M".
Luật sư đề nghị VKS đưa ra chứng cứ thoả thuận ăn chia giữa công ty AP và ông Dũng và cho rằng khoản 1,666 triệu USD là tài sản riêng của hai công ty AP và Phú Hà. Do vậy, ông đề nghị làm rõ số tiền trên "thực chất là tiền gì?". Sau ông Triển, vị luật sư thứ ba bảo vệ ông Dũng là Trần Đại Thắng nêu quan điểm...
Phiên xử ngày hôm nay khép lại sau phần trình bày của luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc. Không phủ nhận cáo buộc tội tham ô và cố ý làm trái với thân chủ của mình, song ông Thiệp cho rằng cần xem xét nguyên nhân, mục đích sai phạm của tổng giám đốc Phúc để đánh giá đúng tính chất mức độ vụ án.
Theo vị luật sư nhiều kinh nghiệm này, dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và kế hoạch mua ụ nổi đã được phôi thai từ năm 2006, trước khi bị cáo Phúc về làm Tổng giám đốc. Năm 2008, khi mới "chân ướt chân ráo" về Vinalines, ông Phúc tin vào tư vấn chuyên môn của các phòng ban trong tập đoàn, ký các quyết định, tờ trình liên quan việc này. Hơn nữa, theo luật sư, ông Phúc đã "nhận thức sai" về những văn bản chỉ đạo của cấp trên nên mới xảy ra cơ sự.
Luật sư cho rằng, thân chủ không yêu cầu cấp dưới bằng mọi giá phải mua được ụ nổi, mà chỉ "tích cực quá" khi thấy ụ nổi trên có các thông số kỹ thuật tương tích với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, do sợ không thực hiện đúng tiến độ, sợ bị cách chức nên mới nhắn nhủ với cấp dưới phải sát sao trong thương vụ mua ụ nổi.
Cũng như 3 luật sư của ông Dũng, ông Thiệp cho rằng không đủ căn cứ để quy kết tội với bị cáo Phúc. Ông Thiệp đề nghị kiểm tra chuyến bay của ông Sơn khi khai mang hàng tỷ đồng tới đưa cho ông Phúc, cũng như các cuộc điện thoại trao đổi việc giao nhận tiền "lại quả" từ Công ty AP như cáo buộc của VKS.
Hôm nay, phiên xử tiếp tục với phần tranh tụng. Theo kế hoạch, đây cũng là ngày cuối cùng xét xử.
Việt Dũng