Chiều 27/5, 4 luật sư của bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã mở đầu phiên tranh tụng bằng việc trình bày quan điểm bảo vệ thân chủ vừa bị VKS đề nghị tuyên phạt 30 năm tù.
Trước cáo buộc ông Kiên kinh doanh trái phép, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng, các doanh nghiệp do ông Kiên lập ra có quyền mua cổ phiếu, trong đó cổ phiếu ngân hàng nên có quyền chuyển nhượng và đây giao dịch dân sự. "Nếu kết tội bị cáo Kiên thì không khác nào đe doạ những ai đặt lệnh mua, bán cổ phần ở các trung tâm chứng khoán", ông Nghiêm nói.
Vị luật sư nhiều kinh nghiệm cũng dẫn lại ý kiến nhiều cơ quan nhà nước đã nêu tại toà, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết góp vốn đầu tư không phải đăng ký kinh doanh. Còn Sở kế hoạch và Đầu tư TP HCM cũng cho rằng việc này là quyền của các tổ chức kinh tế, cá nhân. Cho đến nay, chưa có ai, chưa có công ty nào được chứng nhận kinh doanh đầu tư tài chính, góp vốn đầu tư mua cổ phiếu.
Về việc ông Kiên bị cáo buộc trốn số thuế 25 tỷ đồng phát sinh từ việc em gái ủy thác Công ty B&B (do ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT) đầu tư giá vàng ngoài Việt Nam, sau đó B&B uỷ thác cho Ngân hàng ACB thực hiện, luật sư cho rằng không có căn cứ.
Theo luật sư, pháp luật không cấm các cá nhân ký kết việc kinh doanh vàng trước khi chính phủ có quy định chấm dứt hoạt động này. "Thực tế có nhiều người, tổ chức ký kết mua bán, uỷ thác vàng trên thị trường. Việc uỷ thác và ký hợp đồng uỷ thác không phải là ngành nghề cần đăng ký kinh doanh. Việc ký hợp đồng uỷ thác nói trên là phù hợp tại thời điểm ký", vị luật sư nêu quan điểm và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Kiên vô tội.
Tương tự, bảo vệ thân chủ trước cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi ACBI chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu đang thế chấp cho Công ty thép Hoà Phát, luật sư Ngô Huy Ngọc cho rằng: “Quy kết ông Kiên chiếm đoạt toàn bộ 264 tỷ đồng là quy kết quá đau đớn". Theo luật sư, trong cáo trạng không thể hiện nội dung cho thấy ông Kiên chiếm đoạt. Trách nhiệm đối với Công ty thép Hoà Phát là công ty ACBI chứ không phải cá nhân ông Kiên”, luật sư Ngọc trình bày.
Ông Ngọc cũng cho rằng, hợp đồng giữa ACBI và Công ty thép Hoà Phát là hợp đồng dân sự, phải được đưa ra toà án kinh tế chứ không phải cơ quan công an. "Thực tế không có sự tranh chấp nào, sao quy kết ông Kiên lừa đảo? Đề nghị HĐXX tuyên ông Kiên không phạm tội”, luật sư Ngọc nói.
Trước đó tại phiên xử buổi sáng, bị cáo Kiên bị VKS đề nghị phạt 18-24 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép; 4-5 tù do Trốn thuế, 16-18 năm tù về tội Lừa đảo, 14-15 năm tù về tội Cố ý làm trái. Tổng hình phạt ông Kiên bị đề nghị là 30 năm - mức án tối đa của khung hình phạt tù có thời hạn.
Theo luật sư Phạm Thanh Phong (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên kế toán trưởng ACBI bị đề nghị 7-8 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản) trong vụ việc này, cơ quan điều tra không xác định cụ thể bị hại, bởi tại toà đại diện Công ty thép Hoà Phát cũng không yêu cầu bồi thường.
Còn luật sư Trần Bình Tuấn bào chữa cho ông Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc ACBI bị đề nghị 9-10 năm) cho rằng thân chủ chỉ là giám đốc kiêm nhiệm, nhận phụ cấp 5 triệu đồng mỗi tháng. Ông Thanh chỉ đại diện 10% vốn tại ACBI trong khi ông chủ Kiên có tới 70%. Vì tin vào chủ tịch Kiên nên ông Thanh đã ký vào những giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng số cổ phiếu trên khiến giờ vướng lao lý, đối mặt với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bào chữa bổ sung cho ông Thanh, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh nêu quan điểm: "Trong vụ án, hành vi thì có, tội danh thì cần phải xác định. Ông Thanh làm mọi vịêc cũng đều dưới sự chỉ đạo của ông Kiên. Khi thực hiện chỉ là tuân lệnh lãnh đạo, nhiệm vụ của người lao động".
Ngoài ra, bà Thanh cũng cho rằng, căn cứ buộc tội lừa đảo phải thoả mãn hai yếu tố: gian dối và chiếm đoạt. "Thực tế bị cáo Thanh chỉ biết số cổ phiếu đó chưa được ngân hàng ACB giải chấp khi cơ quan điều tra cho biết, bị cáo cũng không hưởng lợi trong số tiền bị quy kết chiếm đoạt", luật sư nêu.
Ngày 28/5 toà tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.
Việt Dũng