Nêu quan điểm trong buổi tọa đàm An toàn, hiệu quả trong phòng chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam, ngày 7/10, Trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an - cho biết, tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra tại khu vực này đang ngày càng "nóng". Nhất là ở Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp... khi có nhiều băng nhóm buôn lậu sẵn sàng chống trả, cướp lại hàng hóa, gây nguy hiểm đến lực lượng chức năng.
Những nhóm này đã lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, sông ngòi chằng chịt... để vận chuyển hàng lậu. Họ cũng mua chuộc người dân bản địa chuyên chở, cất giấu hàng lậu, hoặc thuê người theo dõi trụ sở lực lượng chống lậu để nắm tình hình hoạt động, ra quân... để đối phó.
"Lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá chỉ đứng sau ma túy, nên khi hàng lậu bị bắt, chúng sẽ tổ chức cướp lại nếu thấy lực lượng chức năng mỏng. Đã có nhiều trường hợp xảy ra khiến nhiều cán bộ bị thương, thậm chí tử vong. Đây là việc đau buồn, là bài học cho các lực lượng chống lậu, cần phải làm sao tìm ra phương án an toàn, hiệu quả nhất", trung tướng Lộc nói.
Là một trong những tỉnh có tình trạng buôn lậu thuốc lá phức tạp nhất, ông Võ Thiện Ngộ - Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An - nói rằng, những nhóm buôn lậu thuê người chạy xe máy tốc độ cao, dùng xe tải, xe đông lạnh... để vận chuyển hàng. Nhiều trường hợp còn gắn cả biển số xanh để ngụy trang vượt trạm, gây nhiều khó khăn cho lực lượng.
Thiếu thốn về điều kiện vật chất phục vụ công tác chống buôn lậu cũng được ông Ngộ chỉ ra. Điều này khiến công tác chống buôn lậu chưa đạt hiệu quả cao, chưa đảm bảo an toàn cho người thực thi công vụ.
"Đêm 15/9 qua, 4 cán bộ của Đội 1 bắt ghe chở gần 10.000 bao thuốc lá. Tuy nhiên, khi đưa tang vật về trụ sở thì chúng đuổi theo trên sông, đánh cán bộ Nguyễn Kim Danh (46 tuổi) tử vong", ông Ngộ kể.
Chia sẻ kinh nghiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, thuốc lá điếu trên địa bàn, đại tá Lê Hồng Vương - Phó Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh - cho biết đơn vị đã triển khai quyết liệt trong đấu tranh nội bộ, chống câu móc, bảo kê buôn lậu và xử lý nghiêm những vi phạm. Điều này giúp tình hình buôn lậu từ năm 2013 đến nay giảm đáng kể.
"Chúng tôi cũng thường xuyên khen thưởng, động viên tinh thần các cán bộ, nêu gương dũng cảm, liêm khiết trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá", đại tá Vương nói.
Tại buổi tọa đàm, nhiều lực lượng ở ĐồngTháp, An Giang, Kiên Giang... cũng nêu ra những khó khăn, giải pháp trong phòng chống buôn lậu thuốc lá. Trong đó có vướng mắc về qui định số lượng thuốc để xử lý hình sự, hiện có mâu thuẫn.
Theo nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu "từ 500 bao trở lên" bị xử lý hình sự. Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 36/2012/BCT-BCA-BYT-VKSNDTC-TANDTC quy định số lượng "từ 1.500 bao trở lên" mới bị truy cứu.
Buổi tọa đàm do báo Công An Nhân Dân, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) và Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an tổ chức. Những ý kiến, tham luận của những địa phương sẽ đươc tập hợp báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Quốc Thắng